Hơn 6 giờ sáng, trước cổng BV Ung Bướu, đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh đã đông đúc bệnh nhân, người thân, và cả những người hàng ngày vất vưởng bán đủ mọi thứ để mưu sinh.
Bên cạnh nhà vệ sinh trước cổng bệnh viện, mỗi ngày người ta lại thấy một cụ già với các khối u thịt khắp người, ngồi bán vé số ngay lối đi lại trên vỉa hè. Cụ cho biết mình tên là Phạm Thị Ni, 66 tuổi, là bệnh nhân điều trị 4 năm nay tại BV Ung bướu. Bà tâm sự: "Tôi nhiều bệnh lắm cô ơi, bị ung thứ vú, u thịt toàn thân. Ngày trước nhập viện nằm tại phòng 48 nhưng bây giờ không có tiền điều trị nên một tháng tái khám mấy lần rồi uống thuốc thôi".
Cụ Ni không có người thân nào trên Sài Gòn, cụ bảo có một người cháu gái đang học ở Lâm Đồng. Một thân một mình bà phải vừa bán vé số để có tiền trả tiền nhà trọ, vừa phải tích góp tiền để trả viện phí mỗi lần tái khám. Buổi trưa, nếu có phát cơm từ thiện thì bà xếp hàng để xin. Còn không thì bà chỉ ăn vài miếng bánh, trái cây để sống qua ngày. "Tiền nhà trọ 35 nghìn/ngày, đau bệnh nên mỗi ngày đi bán vé số không được bao nhiêu, đủ tiền trả tiền trọ là mừng rồi", bà nói.
Trên cầu bộ hành bắc ngang bệnh viện, một cụ bà khác cũng ngồi bán vé số ở lối đi nhếch nhác trên cầu. Gia tài của bà chỉ có chiếc ghế nhựa, cái nón chống nắng và một túi đựng quần áo, hồ sơ...
Khi tiếp xúc, bà không nói được, cũng không thể hiểu được người khác nói gì. Trong người bà lúc nào cũng có các giấy tờ tùy thân, sổ khám bệnh lâu năm. Lúc vào khám bệnh, bà chỉ đưa sổ khám, chứng minh nhân dân để bệnh viện ghi lại tên tuổi và nắm được tình trạng bệnh của bà.
Những người sống ở khu vực này cho biết, dựa trên các giấy tờ tùy thân, biết bà tên Võ Thị Úc, SN 1937, từ Long An lên thành phố điều trị từ năm ngoái. Nhưng từ khi thẻ bảo hiểm y tế hết hạn (ngày 31/10/2014), mọi người thấy ngày ngày bà lấy vé số rồi ngồi bệt trên cầu bộ hành bán cho người đi đường. Khi gom đủ tiền, bà lại vào viện điều trị...
Khá e dè khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Bốn, quê Quãng Ngãi cho biết: "Gia đình tôi khó khăn lắm nên tôi không muốn kể nhiều, sợ họ vô tình đọc được chuyện về mình ở đâu đó thì lại không vui. Tôi đi bán trước cổng bệnh viện này nhiều năm rồi. Ban đầu tôi chỉ bán vé số, nhưng không đủ trả tiền nhà trọ và ăn uống, nên tôi bán báo dạo cho những người thân chờ bệnh nhân trước cổng bệnh viện".
Những người bệnh, người nghèo ở khu vực này bán đủ mọi thứ để kiếm sống. Từ bán vé số, bán báo cho đến bánh kẹo lưu động. Buổi tối họ ngủ tại các phòng trọ đối diện bệnh viện, đến sáng lại tới trước cổng bệnh viện để buôn bán kiếm sống.
Giấc ngủ trưa vội vã của một người đàn ông tật nguyền bán vé số ngay trước cổng bệnh viện |
Theo MASK Online