Thảo luận về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngày 11/11 tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho biết, vừa qua dư luận nói nhiều về một số doanh nghiệp công ích, lương cán bộ cao, lương công nhân thấp.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang)
Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng đã nói đến kinh doanh, phải nói đến hiệu quả và động lực. Không có động lực, lương thưởng cho bản thân, lãnh đạo làm việc không có hiệu quả, họ chỉ làm cho qua chuyện.
Theo Đại biểu, vừa qua có thắc mắc lương của ông lãnh đạo cao còn người công nhân quá thấp. Nếu quy định nguyên tắc lương lãnh đạo cao thì lương công nhân cũng phải cao, xã hội không ai phàn nàn cả.
“Vậy trong đơn vị sản xuất, kinh doanh có nên phân loại và quy định nguyên tắc chênh lệch lương giữa cán bộ, người lãnh đạo và người công nhân không quá bao nhiêu lần không? Không quá 13 lần như bậc lương hiện nay của công chức không? Hay chúng ta không nhích lên quá 15, 20 lần”, đại biểu Tiên đặt vấn đề.
Xã hội sẽ không ai phản đối nếu lương lãnh đạo một đơn vị là 200 triệu, lương người công nhân 10 triệu. Khi lương cao như vậy, động lực phát triển có hiệu quả, doanh nghiệp mới giữ được vốn. Nếu cứ kiểm soát quá chặt, đồng vốn không sinh sôi, các doanh nghiệp sẽ không hoạt động hiệu quả.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cùng cho rằng vấn đề tiền lương, thù lao, tiền thưởng người quản lý doanh nghiệp quy định dự thảo Luật khá chung chung.
Dự thảo chỉ quy định tiền thưởng hàng năm của người quản lý doanh nghiệp được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Mức thưởng được xác định trên cơ sở của hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; mức hoàn thành nhiệm vụ xếp loại quản lý doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị quy định cụ thể để tránh trường hợp có sự chênh lệch quá lớn thu nhập giữa người quản lý và các đối tượng còn lại trong doanh nghiệp. Bởi nguồn vốn sử dụng trong doanh nghiệp là vốn nhà nước.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), thước đo xác định tiền lương, thưởng, thù lao cho người quản lý trong doanh nghiệp là hiệu quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành.
Ông đặt vấn đề: “Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công ích thì đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh dựa trên những tiêu chí nào?”.
Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ các chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao đối với người quản lý doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm để quy định.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạnh doanh nghiệp có lãnh đạo trước khi nghỉ hưu nhận hàng trăm nhân viên vào làm việc.
Điều này chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nhà nước, còn đối với các doanh nghiệp của tư nhân không có hiện trạng này do đồng tiền của người ta bỏ ra.
“Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là những vấn đề cần có sự điều chỉnh để làm sao tăng hơn hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tránh gây thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước”, đại biểu Cường nói.
Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý doanh nghiệp: 1. Nguyên tắc xác định tiền lương, thù lao của người quản lý doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm: a) Căn cứ vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; b) Căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp; thù lao của người quản lý doanh nghiệp không chuyên trách được xác định trên cơ sở công việc và thời gian làm việc nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý doanh nghiệp chuyên trách. 2. Tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trên cơ sở hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, xếp loại doanh nghiệp, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp và được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. |
Theo Khám phá