Như đã nói ở phần trước, ngày đó, có tới mấy chục nhà khoa học tìm về xóm Đầu (Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) để nghiên cứu hiện tượng vật nuôi 4 chân (trâu, bò, lợn, chó) tự nhiên đột tử, hoặc ‘tự tử’.
Các nhà khoa học đã phân tích, điều tra ba yếu tố: môi trường (đất, nước, không khí), các phông bức xạ, phóng xạ, từ trường và tình hình an ninh trật tự địa bàn (những thế lực xấu gây thù hằn, hại nhau bằng cách bỏ độc).
Thế nhưng, qua điều tra, cả ba yếu tố này đều đã bị loại bỏ. Suốt nhiều năm, công an huyện, xã đã tích cực, ráo riết nằm vùng, điều tra, song đều không tìm thấy thủ phạm.
Vả lại, chuyện vật nuôi chết vì thuốc độc là chuyện khó xảy ra, bởi khi vật nuôi chết, người dân cứ làm thịt rồi đánh chén vô tư nhiều năm mà không thấy có triệu chứng bị nhiễm độc. Vả lại, nếu bị bỏ độc tràn lan như vậy thì đâu chỉ có bốn giống loài trên bị chết?
Một con chó do Nhà nước cấp |
Hơn nữa, nếu đàn vật nuôi ở thôn Đầu chết vì trúng độc thì các nhà khoa học với những phương tiện hiện đại đã tìm ra từ lâu rồi.
Để truy tìm được nguyên nhân dẫn đến việc vật nuôi ở thôn Đầu chết hàng loạt, vả lại cũng để giúp bà con vượt qua phần nào khó khăn, Sở Khoa học công nghệ Bắc Giang tiếp tục tiến hành bước hai của đề tài, đó là đưa vật nuôi về xóm Đầu nuôi dưỡng.
Những con giống được Viện Thú y Trung ương kết hợp với Công ty Cổ phần Giống chăn nuôi chọn lọc rất kỹ càng, được khám bệnh, tiêm chủng, tiêm phòng cẩn thận trước khi đưa về địa bàn.
Toàn bộ số con giống, thức ăn đều do đề tài cung cấp và có cán bộ ngày đêm nằm ở địa bàn theo dõi sát sao, quản lý nghiêm ngặt cùng với một tủ thuốc để chữa trị khi đàn gia súc... lên cơn.
Đợt đầu tiên đã đưa về xóm Đầu 6 con bò, 11 con lợn và 9 con chó. Qua 3 tháng triển khai, cả 11 con lợn đều mạnh khoẻ, đạt từ 65 đến 80kg và khi xuất chuồng, 6 con bò đều bình thường, hay ăn chóng lớn.
Kết quả bước đầu đáng mừng, song người dân xóm Đầu vẫn không thực sự tin tưởng vào kết quả này, bởi vì theo họ, số gia súc, gia cầm này là do cán bộ chọn giống, cán bộ nuôi dưỡng, cán bộ cung cấp thức ăn, do vậy chúng mới không chết (người dân đưa ra lý do như vậy là vì thực tế người xóm cạnh thả nhờ gia súc ở xóm Đầu vẫn sống).
Loài chó giờ đây rất đông đúc ở xóm Đầu |
Mấy năm nay, không có con bò nào ở xóm Đầu chết nữa |
Nếu để dân làng tự bỏ tiền mua giống, tự tìm nguồn thức ăn, tự chăm bẵm mà nó vẫn sống thì mới tin. Điều này thể hiện người dân xóm Đầu đã bị ám ảnh rất nặng nề về những cái chết kỳ lạ của đàn vật nuôi trong xóm, là do một thế lực tâm linh nào đó.
Người dân càng hoang mang hơn khi không phải tất cả số gia súc mà đề tài cung cấp, nuôi dưỡng đều sống cả. Trong số 9 con chó của của đề tài thì đã chết 5 con, mặc dù trước khi đưa xuống dân, số chó này đã được tiêm phòng cẩn thận.
Ngày 25/8/2006, con chó của đề tài nuôi ở nhà anh Bùi Văn Hùng đột nhiên lên cơn điên chạy nhảy khắp nơi, anh Hùng liền điện cho anh Nghĩa, cán bộ của Sở.
Nhận được tin báo, anh Nghĩa cùng các cán bộ lập tức từ TP. Bắc Giang về theo dõi, nghiên cứu. Anh Nghĩa yêu cầu mọi người vây bắt con chó đó lại để xem bệnh, nhưng vừa tóm được thì nó run lẩy bẩy rồi lăn ra chết sau hơn một tiếng "nổi đóa".
Khi con thứ nhất vừa chết, con chó anh Hùng mới xin về nuôi tiếp tục "lên cơn". Anh Nghĩa trực tiếp tiêm hai mũi kháng sinh tổng hợp có tác dụng chữa các bệnh nhiễm khuẩn. Nhưng vừa tiêm xong thì nó lăn đùng ra chết nhanh hơn cả con trước.
Cũng ngay buổi tối hôm đó, lúc 12 giờ đêm, anh Nghĩa lại nghe thấy tiếng chó sủa ở phía nhà bà Lễ. Con chó của đề tài này cũng lìa đời sau 30 phút nổi "cơn điên".
Cả năm con chó ngay khi chết đều được ông Phó thôn Lưu Văn Lần và các cán bộ tiến hành bảo quản đông lạnh rồi gửi ngay xuống Viện Thú y Trung ương mổ xẻ, xét nghiệm.
Người dân xóm Đầu tin rằng, ngôi miếu thờ Thành Hoàng ở đầu làng rất thiêng. Họ cho rằng, động vật chết là do... phá miếu |
Theo thông tin ban đầu, trong số năm con chó "đột tử" thì con đầu tiên chết vì viêm phổi cấp, bốn con còn lại đều chết vì viêm não cấp. Con đầu tiên chết vì viêm phổi cấp thì nguyên nhân đã rõ ràng là do nhiễm vi khuẩn, nhưng bốn con chết vì viêm não cấp đều chưa tìm được nguyên nhân.
Khi đó, các nhà khoa học ở Viện Thú y đã nghiên cứu theo hướng gây nuôi virus có thể có trong những con chó đột tử vì viêm màng não cấp đó. Tuy nhiên, kết quả thế nào thì không rõ, chưa ai dám đưa ra nhận định gì. Còn người dân thì tha hồ phán: do năm con chó trên được người dân chăm sóc, nuôi dưỡng là chủ yếu nên nó mới chết như vậy (?!).
Để có kết luận chính xác về hiện tượng gia súc chết hàng loạt ở xóm Đầu không phải đơn giản. Những câu hỏi dường như không thể tìm được câu trả lời như: Tại sao chỉ có trâu, bò, lợn, chó ở xóm Đầu mới chết? Những giống khác như mèo, chuột, gà, ngan, vịt... không việc gì?
Tại sao gia súc, gia cầm cả xóm chết mà nhà anh Tâm cũng ở giữa làng lại không chết bất cứ một con nào? Và tại sao hàng trăm hộ dân ở những ngôi làng nằm cách xóm Đầu chỉ bằng cái ngõ rộng 3 mét lại vẫn chăn nuôi bình thường, không có hiện tượng gì xảy ra, mặc dù môi trường, điều kiện chăm sóc đều như nhau?
Điều đáng quan tâm là sau khi Sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang tiến hành khử trùng nhiều đợt, đưa vật nuôi được kiểm dịch về làng, thì sau đó hiện tượng chết chóc bí ẩn của vật nuôi không diễn ra nữa, trừ năm con chó.
Từ 2006 đến nay, đàn vật nuôi đã lại có mặt đông đúc ở xóm Đầu. Nhiều gia đình có cả trại nuôi gia súc lớn. Chỉ có điều, câu chuyện vật nuôi ở xóm Đầu chết bí ẩn, đến nay vẫn không có lời giải. Câu chuyện ấy dần chìm vào ký ức của người dân xóm Đầu và vùng lân cận.
Theo VTCnews