Từ xưa đến nay, người dân làng Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã quá quen với hình ảnh một khúc gỗ có dáng dấp giống hình một con rùa nhiều năm liền cứ đứng nguyên vị trí, dù có mưa to hay lũ cao đến mấy nó cũng biết tìm đường về.
Lạ kỳ khúc gỗ ngược dòng sông Tích suốt 550 năm |
Câu chuyện về một khúc gỗ có khả năng “phi thường” nhanh chóng thu hút sự tò mò. Nhiều người từ Hà Nội cũng về đây để mục sở thị khúc gỗ “thần” này.
Gần 550 năm nay, khúc gỗ vẫn tìm về đúng vị trí được đặt trên dòng sông Tích.
550 năm dập dềnh bơi về bến cũ
Chúng tôi tìm về làng Yên Lạc, xã Cần Kiệm tìm gặp cụ giáo Kiều Văn Điều, 86 tuổi sinh sống tại làng Yên Lạc để tìm hiểu về sự việc này. Theo lời kể của cụ giáo Kiều Văn Điều được biết đó là khúc gỗ thông, màu đen. Ngày còn nhỏ, thế hệ các cụ thường bấu vào khúc gỗ để bơi sông.
“Khúc gỗ ban đầu có hình chữ Y, chiều dài khoảng 30 phân, nặng 25kg. Tuy nhiên, do bị bào mòn bởi năm tháng nên hiện nay khúc gỗ có hình dạng hơi giống con rùa (có người nói giống con dao) bề mặt nhẵn mịn, đen đậm chỉ nặng chừng vài kg, một đứa trẻ học lớp 3 khiêng thấy nặng”, cụ Điều cho biết.
Một điều lạ là, cứ vào mùa lũ khi nước dâng lên cao, khúc gỗ bị cuốn trôi theo dòng nước. Nhưng sau một thời gian, nước rút đi người dân lại thấy nó nằm nguyên vị trí ban đầu.
Khi chưa có giếng, người dân trong làng thường lấy khúc gỗ làm nơi đặt rổ rau mỗi khi đem rửa hoặc chậu quần áo khi đi giặt, có khi còn là nơi để người dân đặt chân lên để kỳ cọ mỗi khi đi làm đồng về.
Còn đám trẻ con thường hay mang khúc gỗ ra cây cầu cách đó chừng 150m để nhảy xuống bơi cùng, ấy vậy mà sáng sớm hôm sau người dân đi làm đồng đã thấy khúc gỗ về nguyên vị trí cũ.
“Năm 1971 vỡ đê Ngọc Tảo, nước dâng cao ngập đến tận đình người dân nhìn thấy khúc gỗ cứ dập dềnh rồi biến mất nhưng chỉ khi nước rút thì lại thấy nó ở đấy”, cụ Điều cho biết.
"Cứu sống" trẻ con bị đuối nước
Không chỉ có “khả năng” tự bơi dù khoảng cách lên đến hàng chục kilomet, cụ Điều kể rằng, ở đoạn sông có khúc gỗ này bao nhiêu năm qua chưa có một người nào bị chết đuối.
“Không biết có phải do khúc gỗ không nhưng trẻ con trong vùng không một ai bị chết đuối, dù bụng có trương phình, chuẩn bị cho vào áo quan nhưng vẫn sống lại”.
Làng Yên Lạc tính đến nay có hơn 30 trẻ được nhận làm con nuôi, con vớt. Người này cứu sống người khác rồi chính bản thân họ cũng đi làm con nuôi nhà người là điều bình thường đối với làng Yên Lạc.
Cụ Điều nhớ lại, năm đó vào khoảng 18h tối, cụ đưa trâu đi uống nước thấy có một đứa trẻ chừng 7 tuổi trôi dạt vào chân, cụ vớt lên rồi hô hấp nhân tạo. Khi tỉnh lại hỏi ra mới biết cháu tên là Đức cháu bà Mi cùng thôn, theo bố đi tắm sông không ngờ bị trôi theo dòng nước. Cũng từ đó, cháu Đức nhận gia đình cụ Điều là bố mẹ nuôi.
Không chỉ có Đức, anh Kế cũng bị đuối nước rồi trôi dạt về khúc sông này và được dân làng cứu sống. “Khi chuẩn bị bọc cháu trong chiếc áo mưa rồi cho vào áo quan thì đột nhiên cậu bé này choàng tỉnh và ngồi dậy”. Nói rồi cụ Điều cười hiền từ nói: “Thế mà năm nay nó ngoài 40 tuổi rồi đấy”.
Theo cụ giáo Kiều Văn Điều: "Khúc gỗ ban đầu có hình chữ Y, chiều dài khoảng 30 phân, nặng 25kg".
Từ đấy trở đi, trẻ con trong vùng đều được bố mẹ đưa qua khúc sông này để tập bơi. Thấy khúc gỗ đem lại điềm lành cho người dân trong làng, “15 năm trước, người dân thôn Phú Lễ đem khúc gỗ về đóng cọc tre rồi buộc dây cẩn thận. Thế rồi cũng không biết nguyên nhân vì sao, khoảng 4 tháng sau nhân dân trong làng lại thấy nó nổi dập dềnh ngược dòng nước tìm về vị trí cũ”, cụ Điều cho hay.
Về nguồn gốc của khúc gỗ, cụ không biết chính xác khúc gỗ có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ khi cụ sinh ra đã thấy khúc gỗ nằm lờ lờ mặt nước sông Tích, đoạn ngay trước cửa đình. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì khúc gỗ có thể xuất hiện từ thế kỷ 18, trùng với khoảng thời gian xây dựng đình làng Yên Lạc.
Theo tài liệu còn lưu giữ được, đình làng Yên Lạc được dựng từ thời Hồng Đức (năm 1469), tức là cách đây gần 550 năm. Năm đó, xây dựng đình xong thấy còn thừa một mảnh gỗ nhỏ, dân làng mang đặt ở bến nước trước đình để lấy chỗ đặt đồ mỗi khi ra rửa ráy.
Lý giải về những thông tin khúc gỗ đen thần bí đang được đồn đại, ông Kiều Trung Thành, trưởng thôn Yên Lạc cho biết : Đây là khúc gỗ thông còn tươi, còn nhựa bên trong nên khi thả xuống nước khúc gỗ không chìm hẳn cũng không nổi hẳn chỉ là là mặt đất, mặt nước. Hơn nữa, bến sông bên này lại thoai thoải vì là bên bồi, người dân trong làng thường hay lui tới nên cứu vớt được nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước cũng là điều dễ hiểu.
Xung quanh câu chuyện khúc gỗ “tự bơi” về mỗi khi nước rút, ông Thành cho rằng:"Do khúc gỗ gắn bó với tuổi thơ của mỗi người dân làng Yên Lạc nên người dân nơi đây đã xem khúc gỗ đen như một điểm tâm linh như cây đa, như giếng làng Yên Lạc không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Có lẽ thế nên khi không thấy khúc gỗ đâu người trong thôn đã đi tìm về và đặt vào vị trí cũ với mục đích răn dạy các thế hệ con cháu sau này nhớ về nguồn cội”.
Theo Infonet