Binh sĩ Ukraine gia cố công sự tại một khu vực gần thành phố Luhansk hôm 8/11. Ảnh: EFE |
Từ sau ngày bầu cử ở vùng Donbass hôm 2/11, trận đạn pháo đêm 8/11 và rạng sáng 9/11 đánh dấu sự trở lại của bạo lực, báo hiệu viễn cảnh u ám cho những ngày sắp tới. Khi cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ, những tiếng nổ lớn bỗng vang lên ở phía Đông Donetsk.
Tiếng đạn pháo bắt đầu từ 4 ngày trước đó, nhưng sự dữ dội của trận pháo kích đêm 8/11 khiến mọi người lo sợ, cảm giác như cuộc chiến đã thực sự quay trở lại. Đa số cuộc đấu pháo xảy ra vào ban đêm nên chúng tôi không dám bật sáng đèn, ngồi trong bóng đêm hướng về phía Đông thành phố, nhìn thấy những tia sáng như xé toạc màn đêm, những cột khói đen khổng lồ xuất hiện trên bầu trời phía Đông.
Đã quá quen với cảnh pháo kích ở Donetsk trong nhiều tháng qua, chúng tôi đùa nhau rằng chỉ nghe cũng có thể phân biệt đạn của từng phe. Nhưng, quả thật, những tiếng rú, nổ chát chúa của đêm 8/11 khiến tôi cảm thấy kinh hãi.
Trước đây, khoảng hơn 300 người Việt sinh sống ở Donetsk. Từ khi xung đột xảy ra, nhiều gia đình người Việt đã di tản đến các thành phố khác. Mỗi khi hai bên ban bố lệnh ngừng bắn, những người Việt lại tranh thủ trở về thành phố, bởi họ có nhà cửa và công việc ở đây.
Tuy nhiên, rất ít người người bám trụ lâu bởi trên thực tế, Donetsk chưa có một ngày nào bình yên kể cả khi hai bên ngừng bắn. Tính đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 20 gia đình người Việt bám trụ lại Donetsk.
Mỗi sáng thức giấc, việc đầu tiên mà chúng tôi thực hiện là gọi điện cho nhau, hỏi thăm tình hình. Chúng tôi vẫn nói vui rằng đó là “điểm danh”. Ở Donetsk, đạn pháo không phải là mối họa duy nhất. Nạn trộm cướp cũng luôn rình rập người dân, đặc biệt là những người ngoại quốc buôn bán ở chợ.
Vào những ngày bình lặng, chúng tôi thường tranh thủ chạy chợ để mưu sinh. Khu chợ Ga xưa kia sầm uất, nơi làm ăn buôn bán của người Việt nay thưa vắng người mua bán. Nhưng cố vớt vát, chúng tôi vẫn bán hàng, để mong đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Sống trong vùng chiến, chúng tôi cũng đã học cách để sinh tồn và để bảo đảm an toàn cho bản thân. Chúng tôi không đi ra ngoài vào buổi tối, trừ phi có việc khẩn cấp. Trong trường hợp phải đi ra ngoài, chúng tôi nói với những người thân, bạn bè biết điểm cần đến nhằm đề phòng chuyện không may.
Ngoài ra, chúng tôi luôn chuẩn bị phương án phòng thủ từ tích trữ lương thực đến… sẵn sàng tháo chạy. Những người Việt đang bám trụ ở Donetsk như tôi hiểu rằng, thành phố này đã gắn bó với chúng tôi hàng chục năm.
Đây là quê hương thứ hai, là nơi đã mang lại gia đình, cơ nghiệp nên không dễ dàng từ bỏ. Chúng tôi vẫn bám trụ, mưu sinh mỗi ngày và hiểu hơn hết sự đùm bọc, đoàn kết với nhau trong những thời khắc hoạn nạn.
Theo Zing