Kỳ lạ hố mây ở Cao Bằng, ngày biến thành đêm cùng lúc ở 5 tỉnh

Thứ hai, 10/11/2014, 16:10
Những hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên vừa gây bất ngờ, vừa khiến nhiều người lo ngại.

Hình ảnh một hố mây từng xuất hiện trên thế giới. (Ảnh: Envi)

Báo giới trong nước đưa tin, chiều 3/11/2014, tại xóm Nà Sa  và Nà Gường (xã Bế Triều, Hòa An, Cao Bằng), người dân ngỡ ngàng khi thấy một hiện tượng khác lạ trên bầu trời. Theo đó, bầu trời đột nhiên xuất hiện từng đám mây lớn kéo đến, tạo thành một hố sâu khổng lồ, hút tầm mắt, có màu xanh. Cảnh tượng kỳ thú này đã gây xôn xao cho người dân vì trước đó chưa từng xảy ra sự việc tương tự.

Chia sẻ trên một tờ báo, ông Nguyễn Đức Phường (chuyên gia nghiên cứu về thiên văn - vũ trụ, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, hố "lạ" ở Cao Bằng có tên khoa học là hố mây. Ông đánh giá đây là hiện tượng bình thường và xảy ra khi có đám mây tích.

Một hiện tượng kỳ lạ khác cũng xảy ra ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh hôm 3/4/2014, đó là hiện tượng ngày bỗng thành đêm. Theo thông tin trên báo Quảng Ninh, hiện tượng "lạ" này xảy ra trong khoảng thời gian từ 9 giờ 05 phút đến 9 giờ 15 phút.

Vào thời gian trên, nhiều phương tiện tham gia giao thông, lưu thông trên các con phố, nhiều nhà dân đã phải bật đèn, mọi người tò mò nên đổ xô ra cửa nhà chứng kiến hiện tượng lạ. Sự việc lạ này chỉ diễn ra trong vòng 10 phút, tuy nhiên nó khiến nhiều người dân hốt hoảng và lo lắng.

Nhà dân ở Quảng Ninh bật đèn sáng trưng vào lúc hơn 9 giờ ngày 3/4/2014. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Cũng trong ngày 3/4/2014, người dân ở bốn tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng và Hải Dương cũng đã chứng kiến hiện tượng ngày bỗng biến thành đêm và phải bật đèn xe để tham gia giao thông.

Hình ảnh ngày biến thành đêm ở Ninh Bình. (Ảnh: Facebook)

Xung quanh hiện tượng ngày biến thành đêm, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương lý giải với chúng tôi: "Khi có một cơn giông có mây dày, phát triển lên cao, có kích thước rộng lớn thì làm che khuất mặt trời, vì vậy, ánh sáng mặt trời không xuyên thấu qua, chiếu xuống dưới được. Từ đó, dẫn đến trời tối đen kịt lại và giông kéo đến. Sau khi mưa xong thì trời lại sáng trở lại. Dân gian ta cũng đã có câu là "sau cơn giông trời lại sáng", nó ứng với hiện tượng xảy ra ở Quảng Ninh này. Đây là hiện tượng rất đơn giản, bình thường trong khí quyển còn không có gì liên quan đến thiên văn cả".

Ông Nguyễn Tiến Sở, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy Văn tỉnh Quảng Ninh (Bãi Cháy, TP Hạ Long) cũng nhận định trên tờ VNN: "Đây là một hiện tượng bình thường của tự nhiên. Hiện tượng này do hệ thống mây tích (vùng mây dày, đủ sức che hết ánh sáng mặt trời) gây nên. Nó xảy ra trước và trong cơn giông vào mùa hè. Thời gian "bị tối" diễn ra ngắn ngủi, ngay sau cơn mưa trời lại trở lại như bình thường".

Theo Đại Lộ

Các tin cũ hơn