Kỳ thị lao động Nghệ An, Thanh Hóa: Vì sao phân biệt đối xử?

Thứ ba, 11/11/2014, 12:48
Đại biểu QH Trần Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, đang có sự phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng lao động tại các địa phương, tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng trong hoạt động của doanh nghiệp.

Phát biểu trong buổi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chiều 10/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Minh Hoàng đặt câu hỏi khiến cả hội trường Quốc hội lặng thinh: "Cùng là người Việt máu đỏ da vàng, vì sao lại có chuyện  phân biệt nhận người tỉnh này, không nhận người tỉnh kia?".

ĐBQH Trần Minh Hoàng (Cà Mau) lo ngại tình trạng phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động đang diễn ra tại nhiều DN ở các tỉnh, thành -Ảnh:HT

Ông nêu thực tế, tình trạng “phân biệt đối xử” trong tuyển dụng lao động đã và đang tồn tại ở nhiều địa phương. Dù doanh nghiệp (DN) đang hoạt động đúng Luật DN, nhưng lại trái với Hiến pháp. Ông Hoàng dẫn chứng, có một thời gian dài nhiều DN từ chối thẳng nếu biết người lao động đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

“Nếu không quy định “cứng” trong luật về chuyện không được phân biệt đối xử lao động trong tuyển dụng thì không biết tới đây còn tỉnh nào đưa ra những luật riêng vô lý như vậy nữa”, ĐB Hoàng buồn rầu, vì ngay bản thân người lao động người Cà Mau cũng bị từ chối thẳng khi tới xin việc tại các nhà máy, doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương.

Vì thế, vị ĐB này đề xuất, trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần này phải bổ sung thêm quy định “cứng” cấm phân biệt đối xử khi tuyển dụng lao động.

“Có thể người lao động A, hay B có những sai sót trong quá trình lao động nhưng không thể tất cả người Nghệ An, Hà Tĩnh đều như vậy”, ông nói thêm.

Băn khoăn về việc quản lý nhà nước sau khi DN được thành lập, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cho rằng, những quy định từ Điều 18 đến Điều 46 về đăng ký thành lập DN rất thông thoáng tạo thuận lợi cho DN, nhưng thoáng quá có thể nảy sinh những “lỗ hổng”. Cụ thể, không thấy quy định nào ràng buộc trách nhiệm của DN, không thấy vai trò quản lý nhà nước khi cho thành lập DN (quản lý như thế nào, kể cả chủ thể DN, vị trí…).

Những thông báo từ chối tuyển dụng lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã từng xuất hiện ở một số doanh nghiệp. (Ảnh: Kienthuc)

Thực tế những năm qua đã có nhiều DN lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN hiện hành để thành lập DN “ma” nhằm mục đích buôn bán hóa đơn, trốn thuế, nợ bảo hiểm, nợ hải quan… Trong khi đó, dự thảo Luật lại không đưa ra những quy định ràng buộc, chế tài để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của DN.

Vì thế, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, nếu không đưa ra các cơ chế quản lý thì DN có thể sẽ ”lách luật”. Hoặc nếu cho phép nhiều người đại diện cho một pháp nhân như tại dự thảo Luật thì khi ”đụng” tranh chấp, kiện tụng sẽ không biết truy cứu trách nhiệm ai trong số người đại diện, vì có quá nhiều người đại diện theo pháp nhân.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Ánh, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhìn nhận, việc cho phép DN có nhiều người đại diện pháp luật được cho là tạo sự linh hoạt, song quy định này có thể gây khó khăn cho DN trong thực hiện hành vi pháp lý nếu người đại diện không có sự đồng thuận với nhau, khó khăn trong cơ chế giám sát điều hành, hoạt động của DN.

ĐB Đồng đề xuất, cần có các quy định để cải tiến các vướng mắc có thể phát sinh trên thực tế, cụ thể như: dự thảo cần nêu rõ DN có từ một người đại diện theo pháp luật trở lên cần có quy định cụ thể  để xác định rõ trách nhiệm của từng người, nguyên tắc thực hiện, chế tài với những người thực hiện các giao dịch gây thiệt hại cho DN và đối tác....

Ngoài ra, một trong số những điểm được đánh giá là ”cải tiến” trong cải cách thủ tục hành chính được quy định tại dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần này là quy định không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận kinh doanh. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, quy định này sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp, giảm rủi ro về pháp lý cho họ, được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Bên cạnh đó, luật cũng cần có những quy định liên quan đến các biện pháp hậu kiểm để môi trường kinh doanh có trật tự. “Cần hậu kiểm, quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hậu kiểm. Hàng năm, các doanh nghiệp phải báo tới cơ quan quản lý nhà nước những lĩnh vực mà mình đang hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát”, ĐB Lê Đắc Lâm nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày trước Quốc hội báo cáo giải trình dự thảo Luật DN (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá với phạm vi rộng về  quy định DN có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ tạo điều kiện pháp lý tốt hơn cho DN khi tham gia các hoạt động kinh doanh.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn