Mới đây, Hà Nội đã thí điểm lắp đặt camera tại một số quận nội thành để “phạt nguội" các phương tiện vi phạm luật giao thông.
Dự kiến tới cuối năm, bốn quận nội thành sẽ có khoảng 450 camera được lắp đặt, và Hà Nội sẽ chính thức áp dụng biện pháp phạt nguội xe vi phạm qua hệ thống.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đây là một giải pháp cần thiết nhằm giảm bớt tình trạng vi phạm giao thông đang ngày càng gia tăng ở Thủ đô.
Những kiểu 'phạt nóng' này sẽ giảm dần sau khi hệ thống camera được lắp đặt để xử lý xe vi phạm. |
Tuy nhiên, theo ông Cương, mọi giải pháp đưa ra đều cần đi kèm với chế tài xử phạt thật nghiêm với các hành vi vi phạm mới thực sự phát huy tác dụng.
“Nếu chúng ta tiếp tục duy trì hình thức xử phạt kiểu ví dụ thì không giải quyết được gì, số người chết vì tai nạn giao thông sẽ ngày càng tăng, không thể giảm”, ông Cương nhấn mạnh.
- Hà Nội đã lên kế hoạch lắp đặt hàng trăm camera độ phân giải cao tại bốn quận nội thành để áp dụng ‘phạt nguội’ đối với những phương tiện vi phạm luật giao thông. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: 'Không xử phạt nặng, còn nhiều người chết' |
Chủ trương này rất tốt, bởi vì nó phù hợp với điều kiện của Hà Nội cũng như của cả nước. Ở nước ta, tính tự giác của người tham gia giao thông rất kém. Cho nên việc sử dụng camera để “phạt nguội” tôi cho là rất cần thiết.
Lâu nay người dân khi tham gia giao thông cứ thấy bóng dáng CSGT thì chấp hành không thì cứ hồn nhiên vi phạm luật, bất chấp đèn xanh đèn đỏ, đi vào đường một chiều, bất tuân hướng dẫn của CSGT. Nên áp dụng biện pháp “phạt nguội” qua hệ thống camera lắp đặt ở ngã tư là rất nên, rất cần thiết.
Tuy nhiên để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông, tôi cho rằng không chỉ riêng việc xử lý phạt nguội qua camera mà cần phải tăng cường hơn nữa việc xử phạt của CSGT. Theo như tôi quan sát thì hiện nay CSGT còn bỏ qua rất nhiều các đối tượng vi phạm.
Ai cũng nói rằng do chế tài xử phạt không nghiêm, còn thấp nên người vi phạm giao thông mới tăng. Nhưng thực ra khi sửa Luật xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt đã được nâng lên rất nhiều, riêng Hà Nội và TP.HCM còn được xử phạt cao hơn nữa. Nhưng mà thực tế đã thực hiện được bao nhiêu đâu?
Tôi đã từng nói rất nhiều, rằng mình phải có biện pháp nâng ý thức người tham gia giao thông, bao giờ đạt tới mức “cứ vi phạm là bị phạt đấy” thì nó mới nâng lên được. Chứ còn bây giờ trong tiềm thức của người tham gia giao thông thường là, nếu chẳng may có bị công an bắt, bị xử phạt thì cũng như bị bỏ bom thôi.
Còn việc vi phạm là bình thường. Cho nên đứng ở ngã ba, ngã tư, độ khoảng nửa tiếng đồng hồ thôi, thấy hàng trăm lượt vi phạm, nhưng xử phạt chỉ được khoảng 20% thôi, thế thì bao giờ mới khắc phục được.
Mà để đến mức càng ngày càng trầm trọng tới mức khi mà toàn dân người ta vi phạm thì anh quản lý lại càng khó nữa.
- Trước chủ trương lắp đặt camera để phát hiện, xử lý người vi phạm giao thông của Hà Nội, nhiều người cũng lo là làm sao mà phạt cho xuể, rồi lại lãng phí thôi?
Bây giờ mình đừng vội đánh giá hiệu quả hay không hiệu quả, lãng phí hay không lãng phí. Mình chỉ nên đánh giá đây là chủ trương tốt, đúng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
|
Tất nhiên trong quá trình thực hiện chủ trương này thì để nó hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nhưng cứ để áp dụng đã, nếu như mình có bình luận gì đó thì mình sẽ nói sau.
Bây giờ tôi hy vọng rất nhiều vào giải pháp này bởi vì tôi tin rằng nếu làm tốt thì sẽ rất hiệu quả.
- Như ông nói, ý thức tham gia giao thông của đa số người dân còn rất kém. Vậy theo ông liệu có thể kỳ vọng việc lắp đặt camera để phạt nguội sẽ khiến người dân sợ mà chấp hành luật tốt hơn?
Tôi xin nói rằng với cách tham gia giao thông của nhiều người dân hiện nay thì tất cả các giải pháp khác đều không ăn thua gì, nó chỉ là giải pháp mang tính nhất thời, tạm thế thôi và còn chết vì tai nạn giao thông rất nhiều.
Con số vụ tai nạn giao thông mà báo giảm đôi khi chỉ là sự ngẫu nhiên thôi chứ chưa phải nhờ giải pháp về giao thông. Bởi vì nhiều giải pháp đưa ra nhưng mà mình không xử lý quyết liệt, người dân tham gia giao thông không quan tâm nên không hiệu quả.
Hà Nội cũng đã có sáng kiến lắp cái loa ở ngã ba, ngã tư để tuyên truyền giao thông. Đây cũng là một giải pháp nhưng mà loa nói cứ nói, có ai nghe đâu, người ta vẫn cứ vượt đèn đỏ hồn nhiên, vẫn rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm, nhưng không có ai bị xử phạt cả.
Tôi nói thật, nếu cứ nói không, tuyên truyền không thì không giải quyết được vấn đề gì cả, mình phải đưa vào luật, phải có chế tài xử phạt nghiêm mới được.
Bây giờ phải tăng cường xử phạt, phải xử phạt thế nào để đạt đến mức khoảng 80, 90% số vụ vi phạm bị xử lý thì lúc đó sẽ hiệu quả hơn nhiều. Chứ còn nếu vẫn còn tình trạng để cho tình trạng vi phạm bừa bãi như hiện nay, xử phạt chỉ là những trường hợp ví dụ thì không giải quyết được vấn đề, còn chết nhiều người.
- Vậy theo ông mức xử phạt hiện nay vẫn chưa nghiêm, chỉ mang tính răn đe?
Thực ra vấn đề này đã tranh luận rất nhiều khi làm luật xử lý vi phạm hành chính. Có những ý kiến đề nghị phải đưa lên mức rất cao. Tôi cũng là một trong những người đồng tình với mức đó. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tương đối thấp nên người dân không có tiền để nộp phạt.
Tôi thấy cái này là mình đi ngược với nước ngoài. Ở nước ngoài, người ta bất cần biết thu nhập của anh thế nào, nhưng mà người ta cũng xử phạt mạnh. Chỉ cần đi ôtô, mở kính, vứt rác thì cũng đã bị xử phạt tới 2500 USD. Nhưng ở nước mình thì lại cứ tính toán người dân có tiền để nộp phạt không, như thế rất ngược.
Thứ nữa, như ý tôi vừa nói, vấn đề rất quan trọng là việc xử phạt phải đạt mức độ rất cao để từ đó lấy lại ý thức của người dân. Làm sao để cứ vi phạm là sẽ bị xử phạt đấy, lúc đó nó sẽ khác.
Theo VTCnews