Sống thử bằng cách cưới hỏi thật
Nguyễn H. (TP.HCM) gặp Trần T. (Hà Nội) khi cả hai đi du học bên Trung Quốc. Cả hai có một quãng thời gian 3 năm sống chung thời đại học. Thế nhưng, chuyện mẹ chồng, nàng dâu; nhập gia tùy tục, phong tục Bắc Nam… vẫn khiến H lo lắng.
T cũng ngại cảnh mẹ chồng nàng dâu cãi cọ, vì biết chắc mình là con một, sẽ phải ở chung với bố mẹ. Trong khi H khá thoáng trong quan niệm sống, cách ăn mặc và cả lời ăn tiếng nói, thì việc ở chung với bố mẹ cậu khó tránh khỏi đụng chạm.
Do đó, H và T thống nhất: họ sẽ làm đám cưới nhỏ và không đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, kế hoạch không như T định. Với bố mẹ T, họ chỉ có con trai độc nhất, kinh tế cũng khá giả, mối quan hệ rộng, nên đám cưới được tổ chức rình rang, ngay Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, với hàng trăm khách mời.
Bố mẹ T cũng đã xin việc cho con dâu làm tại một khách sạn lớn ở Hà Nội. Cậu con trai có công việc ổn định ngay khi về nước.
Ba tháng sau, cô dâu xin về thăm bố mẹ đẻ và khi đặt chân đến TP.HCM, cô gọi điện cho bố mẹ chồng thông báo không quay trở ra nữa, với lý do: Không hợp khí hậu miền Bắc.
Hoảng hốt, bố mẹ gọi điện cho cậu con trai thì cậu này cũng bình thản không kém, thậm chí còn tỏ ra cáu gắt vì bố mẹ quá lo lắng: “Cưới thì cưới, nhưng chưa đăng ký kết hôn, li dị hay không cũng chả có gì phải liên quan tới pháp luật! Bố mẹ đừng hốt hoảng lên thế. Con cũng không vào Nam sống đâu, không hợp khí hậu".
Ly hôn vì vợ muốn ruồng rẫy con bệnh tật
Tốt nghiệp đại học, Hồng H (Hải Phòng) lấy chồng ngay. Lấy nhau được nửa năm, cô có bầu và sinh non. Mới 6 tháng nên thai nhi còn quá bé, phải nuôi lồng kính. Không những thế, bác sĩ còn bảo với gia đình rằng, em bé bị mù vì sinh non và còn hứa hẹn sẽ phải gánh nhiều bệnh tật khác.
Ngán cảnh chồng là công chức nhà nước, lương ba cọc ba đồng, H lại còn chưa đi làm, nên cô lo sợ không biết lấy đâu ra tiền nuôi con, nhất là con ốm yếu, đầy bệnh tật. Trong thời gian hơn 1 tháng nuôi con trong bệnh viện, đi lại nhiều, tốn kém, vợ chồng H cãi nhau như cơm bữa. Chưa đầy tháng nhưng H đã phải làm việc nhà quần quật, mất sữa và bị trầm cảm sau sinh.
Thấy H quá vất vả, một người bạn khuyên cô bỏ rơi đứa con này tại bệnh viện, vì để lại cũng khó nuôi, tốn kém và là gánh nặng cho vợ chồng. Nghe lời bạn, ngày đón con về nhà, trong lúc chờ người nhà làm thủ tục, H đã giả vờ bỏ con ở ghế đá bệnh viện, với hi vọng bệnh viện sẽ đón nhận lại, rồi đứa trẻ sẽ được hưởng hỗ trợ XH, các tổ chức y tế sẽ lo cho.
Nhưng ý đồ của H bị bại lộ khi gia đình nhà chồng biết. Ôm đứa trẻ vào lòng, người chồng ra sức mắng chửi không tiếc lời. Để hạ nhục cô, họ còn nhờ người viết báo, rồi kiện cáo để giành quyền nuôi con sau khi li hôn.
Cuộc hôn nhân của H kết thúc trong buồn bã sau chưa đầy 1 năm lấy chồng.
Càng có học vấn càng xem nhẹ hôn nhân?
Hiện nay, có nhiều bạn trẻ giỏi chuyên môn nghiệp vụ nhưng gặp khó khăn trong hôn nhân, lúng túng khi giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống hoặc “thẳng băng” từ bỏ cuộc sống chung, đường ai nấy đi.
“Ngoài việc kỹ năng ứng xử của họ còn kém, tôi cho rằng còn có nguyên nhân từ việc các bạn trẻ được nuông chiều quá, thiếu sự chia sẻ, thông cảm, yêu thương… Họ ngại hi sinh, họ đòi hỏi nhiều ở bạn đời mà không hiểu rằng đã là vợ chồng phải có sự hi sinh, nghĩ cho nhau 1 chút mới được. Nếu không có điều này, hôn nhân sẽ khó bền vững” – Nhà tư vấn Võ Thanh Giang – Trung tâm tư vấn Linh Tâm lí giải về việc các bạn trẻ sẵn sàng li hôn như một giải pháp đơn giản của cuộc sống.
Li hôn chỉ thực sự cần thiết khi cuộc sống quá nặng nề, hôn nhân trầm trọng, không thể kéo dài hoặc để lại hậu quả xấu nếu tiếp tục sống chung. Nếu vẫn còn giải pháp, vẫn còn có thể ngồi lại nói chuyện, thay đổi mình để hòa hợp hơn, thì hôn nhân vẫn còn là nơi ấm áp để mỗi con người trú ngụ.
“Các bạn trẻ phải chăng đã quá dễ dãi và không coi hôn nhân là thiêng liêng nữa? Việc cưới thật nhưng vẫn xem là sống thử, theo tôi nên xem xét và lên án ở mặt đạo đức” – LS Phan Thị Hương Thủy, công ty Luật Hoàng Long nhận định.
|
Theo Gia Đình