Tại cuộc họp báo cuối năm về công tác tư pháp quý IV, ông Trần Tiến Dũng (Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp) cho biết, Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua có quy định ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch.
Ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực – Bộ Tư pháp) cũng lưu ý, Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua không quy định trực tiếp về số định danh cá nhân.
Từ năm 2016, công dân đi đăng ký khai sinh sẽ lấy luôn số định danh cá nhân.
Theo ông Khanh, khái niệm, ý nghĩa của số định danh cá nhân chủ yếu được quy định trong Luật Căn cước công dân cũng vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó, có một chương về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Tuy nhiên, Luật Hộ tịch có một số quy định gián tiếp liên quan đến số định danh cá nhân.
Ông Khanh nêu ví dụ: Từ 1/1/2016, khi đăng ký khai sinh, cán bộ tư pháp hộ tịch sẽ lấy thông tin của người đăng ký khai sinh vào sổ, nhập vào cơ sở dữ liệu điện tử, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, cán bộ tư pháp lấy được số định danh cá nhân của người đó và ghi vào giấy khai sinh.
"Việc lấy số định danh cá nhân ra sao, sắp xếp thế nào do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ khác thực hiện vào năm 2015" - ông Khanh nói.
Ngoài ra, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cũng cho biết, cơ sở dữ liệu về hộ tịch được xây dựng bằng hệ thống điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân, kết nối, cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo người phát ngôn của Bộ Tư pháp, Luật Hộ tịch phân cấp mạnh mẽ toàn bộ thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho UBND cấp huyện và cấp xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Theo Khám phá