Trốn cơ quan chức năng
18 giờ 15 phút, ngày 28/12/2014, tại Công viên Gia Định (Q.Gò Vấp), người dân đến vui chơi và người ăn xin cũng trải dọc theo con đường Hoàng Minh Giám.
Một ông cụ chừng 60 - 65 tuổi đi khập khiễng bán kẹo singum tại công viên. Khách mua kẹo thì ông cám ơn và đi tiếp, khách không mua thì ông kể lể: “Sáng giờ chưa ăn gì, cho chú xin vài ngàn ăn cháo”. Giọng nói thều thào, người đàn ông đã được ba người trong nhóm bạn trẻ tại công viên cho 15.000 đồng. Khi công an phường và bảo vệ công viên xuất hiện thì người đàn ông chân cà nhắc vừa nhảy lò cò vừa nhổm nhổm nhảy sâu vào khuôn viên công viên để lảng tránh. Hai mươi phút sau, người đàn ông lại xuất hiện và tiếp tục xin ăn.
Lúc 19 giờ, chúng tôi gặp ông này, hỏi tại sao phải trốn cơ quan chức năng thì ông bảo: “Để người ta bắt được đưa về chỗ trung tâm xã hội mệt lắm. Ở trong đó chán lắm, dòm qua dòm lại không có gì làm. Ở ngoài thì đói, lạnh nhưng được tự do thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm không ai hỏi”.
Chị Nga - người trực nhà vệ sinh 5 sao tại công viên cho biết: “Ăn xin ở đây là mới về. Thường thì tụi nhỏ sẽ đi dạo hết bên công viên rồi sẽ đến nhà vệ sinh xin vô uống nước máy rồi đi bộ xuống khu vực ngã tư Phú Nhuận”.
Người dân tán thành
Anh Nguyễn Xuân Khoa, người dân phường 11, quận Bình Thạnh cho biết: “Hình ảnh thành phố xanh, sạch, đẹp sẽ hoàn hảo hơn nếu không còn những người lang thang, ăn xin. Họ cũng có được điều kiện sống tốt hơn, cảm ơn sự quan tâm, sâu sát của lãnh đạo thành phố cùng Đảng và Nhà nước tới người dân”.
Chị Nguyễn Thị Kim Khánh - Giám đốc Lửa Việt Tour, chi nhánh Hà Nội nói: “Chủ trương này là rất tốt cho du khách. Việc này góp phần làm đẹp đất nước, con người Việt Nam trong lòng du khách. Hình ảnh những người ăn xin chèo kéo du khách trong thời gian qua sẽ không còn. Thể hiện đúng với tiêu chí Việt Nam điểm đến thân thiện mà các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam đang muốn hướng đến”.
Mặc dù chủ trương của UBND TP.HCM kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin, nhưng một số người vẫn khó mà thực hiện. Chị Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên bất động sản tại quận 5 nói: “Đề nghị không cho người ăn xin là đúng, nhưng mỗi khi thấy người ăn xin co ro lúc đêm mưa hay lúc trưa nắng, tôi không kềm lòng được. Dù biết nhiều khi tiền mình cho chưa chắc họ sẽ được hưởng nhưng nếu không cho thì thấy cắn rứt lương tâm”.
Đồng quan điểm như chị Tuyền, anh Nguyễn Văn Nam, chủ tiệm sửa xe trên đường Bạch Đằng: “Làm nghề sửa xe một ngày có được 200 - 300 ngàn nhưng mỗi khi thấy người già ăn xin, bán vé số lang thang tôi cũng móc tiền đưa cho họ. Chuyện chăn dắt tôi không quan tâm, vì số tiền của mình cho họ không nhiều nhưng họ sẽ có một ổ bánh mì, một hộp cơm”.
Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM đã nhận bảy người lang thang ăn xin trong ngày đầu tiên (28/12) triển khai quyết định của UBND TP.HCM về việc quản lý người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú trên địa bàn TP.HCM. Thời gian qua, trung tâm đang lưu giữ hơn 229 người ăn xin từ các quận, huyện trong địa bàn thành phố.
Theo Công an TP.HCM