Thịt gia cầm chứa ít chất béo hơn so với thịt heo, bò - Ảnh: N.C.T. |
Thực tế thịt gia cầm (thịt gà, thịt vịt) chứa ít chất béo hơn so với thịt heo, bò.
Chất béo trong thịt gia cầm rất tốt
Có thể thấy thịt ức gà chứa 3g béo/100g thịt so với thịt heo bò chứa 5-7 g béo/100g thịt. Bên cạnh đó, khi phân tích thành phần, chất béo trong thịt gia cầm cũng tốt hơn trong thịt khác. Khoảng 50% chất béo trong thịt gia cầm là chất béo không bão hòa một nối đôi rất tốt cho sức khỏe. Thịt gia cầm cũng chỉ chứa 1/3 lượng chất béo bão hòa - chất béo không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, thịt gia cầm không chứa chất béo trans (có nhiều trong các thịt màu đỏ đặc biệt thịt bò, thịt cừu), đây là chất béo được khuyến cáo không tốt cho sức khỏe.
Cuối cùng, thịt gia cầm được chứng minh là nguồn cung cấp acid béo không bão hòa đa nối đôi thiết yếu, trong đó đặc biệt là acid béo omega 3 (giúp phòng chống các bệnh tim mạch) mà các thịt khác không có. Đặc biệt, các loại chất béo này cao hơn ở thịt gà thả vườn vì chế độ ăn đa dạng hơn. Đây là điểm lợi ích hết sức thiết thực khi khẩu phần ăn của chúng ta có xu hướng giảm acid béo omega 3 so với acid béo omega 6 gây bất lợi cho sức khỏe.
Trứng gia cầm không ảnh hưởng nhiều cholesterol máu
Trứng gia cầm bị liệt vào các thực phẩm giàu cholesterol, gây gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch nên bác sĩ khuyên hạn chế dùng - đặc biệt ở người có nguy cơ bệnh tim mạch hoặc bị tim mạch. Tuy nhiên điều này chưa hoàn toàn hợp lý.
Trước nay ta vẫn căn cứ một quả trứng trung bình nặng 60 gam chứa khoảng 200mg cholesterol, trong khi nhu cầu khuyến nghị nên tiêu thụ dưới 300mg cholesterol mỗi ngày. Tức một quả trứng chứa 2/3 nhu cầu khuyến nghị cholesterol mỗi ngày, chưa kể các thực phẩm khác. Song chưa hẳn tất cả cholesterol đều gây bệnh. Một số dạng cholesterol có lợi cho sức khỏe như cholesterol tỉ trọng cao (HDL-Cholesterol) giúp chống bệnh tim mạch nhờ việc dọn dẹp cholesterol trong hệ tuần hoàn, còn cholesterol xấu là cholesterol tỉ trọng thấp (LDL-Cholesterol) gây gia tăng bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, cholesterol phải ở dạng oxy hóa mới có thể gây xơ vữa, làm tắc mạch máu. Để phòng ngừa bệnh tim mạch ở trường hợp này, chúng ta nên ăn nhiều thực phẩm chống oxy hóa trong khẩu phần như rau và trái cây.
Ngoài ra, trong trứng 50% chất béo là chất béo không bão hòa một nối đôi, điều này giúp hạn chế ảnh hưởng xấu của trứng trên cholesterol máu.
Cuối cùng theo một số nghiên cứu y học trên thế giới, chỉ có khoảng 15% dân số đáp ứng tăng cholesterol nhiều qua chế độ ăn nhiều cholesterol, đa số còn lại không tăng nhiều. Việc hạn chế ăn trứng chỉ ở các đối tượng mà cơ địa tăng cholesterol máu sau ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều cholesterol.
Do đó chúng ta không nên quá ác cảm với trứng gia cầm về vấn đề cholesterol. Theo kết luận của các nhà khoa học của Tổ chức Lương nông thế giới và các nước phát triển, việc tiêu thụ một quả trứng mỗi ngày cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các “thủ phạm” gây bệnh tim Cholesterol là chất dinh dưỡng không thiết yếu mặc dù có ở hầu hết các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não. Cholesterol chủ yếu được sản xuất bên trong cơ thể, gan sản xuất gần 2.000mg cholesterol nội sinh mỗi ngày. Trong khi đó chỉ có 50% cholesterol trong chế độ ăn được hấp thu vào cơ thể, phần còn lại bị đào thải ra ngoài. Cholesterol không phải là yếu tố hàng đầu gây bệnh tim mạch. Các yếu tố nguy cơ hàng đầu gồm hút thuốc, béo phì, thiếu vận động, tăng huyết áp và stress. Ngoài ra, chế độ ăn không phải là nguyên nhân duy nhất làm tăng cholesterol máu mà còn có nhiều yếu tố khác, ví dụ cơ địa và di truyền. Chế độ ăn chỉ đóng góp khoảng 25% của nguyên nhân tăng cholesterol máu. |
Theo Tuoitre