Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc tinh giản biên chế thời gian qua chưa hiệu quả, thậm chí có đại biểu còn nhận định bộ máy nhà nước ngày càng phình ra. P.V đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn về vấn đề này.
Năm tháng tinh giản 4.000 người
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, công tác tinh giản biên chế đến nay đã đạt được kết quả như thế nào?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn:Từ khi Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế được Chính phủ ban hành (20-11-2014), Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Thông tư liên tịch số 01 để hướng dẫn thực hiện. Trong khoảng năm tháng từ tháng 6 đến tháng 10-2015, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện chính sách tinh giản đối với trên 4.000 công chức, viên chức, trong đó tập trung chủ yếu ở khối viên chức.
Đây là kết quả bước đầu của việc tinh giản biên chế và chúng ta tin tưởng rằng với sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, các bộ, ngành và sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ, công tác tinh giản biên chế sẽ có được những kết quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Nghị định 108 không nói rõ về tỷ lệ cũng như số lượng công chức, viên chức sẽ phải tinh giản. Vậy Bộ Nội vụ có đặt ra một tỷ lệ nhất định cho các cơ quan hành chính tinh giản hay không?
Đúng là nghị định này không quy định tỷ lệ tinh giản biên chế đối với mỗi cơ quan là bao nhiêu. Việc quy định tỷ lệ tối thiểu tinh giản biên chế đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Theo đó, từ năm 2015 đến 2021 phải phấn đấu đạt tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% tổng biên chế.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng biên chế sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Đến nay việc tinh giản biên chế tại các địa phương, bộ, ngành đã bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của trung ương, Bộ Chính trị. Việc xác định tỷ lệ bao nhiêu do các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để tính toán và đặt ra chỉ tiêu trình cấp có thẩm quyền duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ nội vụ Trần Anh Tuấn, công tác tinh giản biên chế sẽ có được những kết quả khả quan hơn trong thời gian tới. |
Tinh giản từ trung ương tới cấp xã
Riêng với Bộ Nội vụ, tỷ lệ tinh giản biên chế sẽ là bao nhiêu, thưa ông?
Riêng đối với Bộ Nội vụ, từ nay đến năm 2021 chúng tôi xác định tỷ lệ tinh giản biên chế 15% để phấn đấu.
Theo ông, trong việc tinh giản biên chế, yếu tố “con ông cháu cha” có phải là một lực cản hay không?
Việc thực hiện tinh giản được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức từ trung ương cho đến cấp xã, trong cả hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện đương nhiên sẽ gặp nhiều lực cản, nhiều khó khăn như sự cả nể, ngại va chạm, tính trách nhiệm của người đứng đầu,
Tuy nhiên, cần phải vượt qua các lực cản, các khó khăn bằng cách bám sát vào mục tiêu của tinh giản biên chế là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và việc này phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó, để thực hiện được kết quả tinh giản biên chế thì không thể có vùng cấm nào trong việc thực hiện tinh giản biên chế.
Để tránh tình trạng cả nể, tình cảm riêng tư ảnh hưởng đến việc phân loại, đánh giá để thực hiện việc tinh giản biên chế, bên cạnh đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, vừa qua Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 56 về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Đây là cơ sở và căn cứ quan trọng để có thể thực hiện được việc phân loại người làm việc tốt, người làm việc chưa tốt, người hạn chế về năng lực hoặc không đáp ứng yêu cầu công việc,...
Để đánh giá người không hoàn thành nhiệm vụ cũng đều có đủ các tiêu chí cụ thể, nếu rơi vào một trong các tiêu chí đó sẽ bị phân loại là không hoàn thành nhiệm vụ và điều đó sẽ được xét đưa vào diện tinh giản biên chế.
Theo PL TP.HCM