Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cụ bà này là V.T.Đ (87 tuổi) bị sa sinh dục độ 3. Điều đáng nói, do bị sa sinh dục nên cụ bà cảm thấy vướng víu và đã tự dùng dao cắt tử cung, vết thương dài tới 20cm và đã có dấu hiệu nhiễm trùng.
Theo ông N.V.C (con trai cụ Đ), chiều 23/11 cụ Đ. vẫn đi lại bình thường, thậm chí còn tới thăm nhà các con cháu ở bên cạnh. Tới khoảng 3h sáng ngày 24/11, do mất ngủ ông C., đi qua giường cụ Đ. thì phát hiện cụ kêu đau và bị chảy máu ở phần phụ.
Gia đình đã đưa cụ đi cấp cứu ở bệnh viện huyện. Do thấy tình trạng bệnh phức tạp, bệnh viện huyện đã chuyển cụ lên luôn bệnh viện tỉnh trong đêm và bệnh viện tỉnh cũng lập tức chuyển cụ lên bệnh viện Phụ sản Trung ương ngay sáng cùng ngày.
PGS.TS Vũ Bá Quyết - GĐ Bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho cụ Đ. Ảnh: Thanh Loan. |
PGS. Vũ Bá Quyết (GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương), người trực tiếp phẫu thuật cho trường hợp ca bệnh của cụ Đ cho biết, ngày 24/11 cụ bà N.T.Đ, 87 tuổi (ở Bắc Ninh) được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng bị phần tử cung sa ra phía ngoài âm đạo to gần bằng quả bưởi nhỏ, có vết cứa dài 20cm và có dấu hiệu nhiễm trùng. Tuy nhiên, phía gia đình cụ lại chưa đồng ý ký giấy phẫu thuật cho cụ.
Trước tình thế nguy hiểm do bệnh nhân đã nhiều tuổi và vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, chính PGS.TS Vũ Bá Quyết đã thuyết phục gia đình suốt 2 ngày liền về căn bệnh của cụ, và cuối cùng gia đình đã đồng ý phẫu thuật cho cụ.
Theo PGS Quyết, trường hợp của cụ Đ. rất nguy hiểm bởi vết dao do cụ tự cứa vào tử cung khá dài, chạm vào bàng quang nhưng may mắn chưa làm thủng bàng quang, vết thương đã bắt đầu nhiễm trùng và có mùi. Nếu để lâu hơn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết rất lớn, nặng hơn là hoại tử, do vậy các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn phần tử cung của cụ Đ.
Từ ca bệnh này, PGS Quyết đưa ra lời khuyến cáo, bệnh sa tử cung là một căn bệnh vẫn còn tồn tại ở Việt Nam nhất là đối với những người ở độ tuổi 50 trở lên thuộc những vùng nông thôn, sinh nở nhiều lần, làm việc nặng nhọc, không được đỡ đẻ an toàn, điều kiện kinh tế khó khăn, chăm sóc sức khỏe kém dẫn tới tử cung hay bị sa xuống qua phần âm đạo. Theo thống kê từ Bộ Y tế, 10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục sau sinh.
Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý e ngại vì đây là bệnh vùng kín và cho rằng, chỉ là “tật” gây vướng víu, không dẫn tới tử vong nên cam chịu chung sống. Những người bị chứng bệnh này sẽ ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng cũng như hạnh phúc. Phẫu thuật ngay khi mới bị bệnh rất đơn giản. Vì vậy, nếu thấy có hiện tượng bị sa sinh dục, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để khám và phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Khám Phá