Trung Quốc từ lâu vẫn dị ứng với những nghi vấn cho rằng Con đường tơ lụa trên biển do họ khởi xướng không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích phát triển kinh tế.
Ngụy trang
Thế nhưng, theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), phát biểu mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh bên lề Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) ở Johannesburg - Nam Phi dường như thừa nhận ý đồ quân sự của Bắc Kinh. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập “hoan nghênh Djibouti tham gia phát triển sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI của Bắc Kinh theo những cách phù hợp”.
Diplomat nhận định “cách phù hợp” mà ông Tập đề cập gây sửng sốt bởi Trung Quốc mới chọn quốc gia nhỏ bé lặng lẽ ở Đông Phi này làm nơi đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Theo thỏa thuận có thời hạn 10 năm ký kết hôm 26-11, Bắc Kinh được phép thiết lập một căn cứ hải quân giữ vai trò trung tâm hậu cần cho các tàu thuyền nước này tham gia sứ mệnh chống hải tặc ở ngoài khơi Yemen. Những thông tin ban đầu của giới truyền thông tiết lộ Bắc Kinh chi 100 triệu USD/năm cho căn cứ đặt tại vùng Bắc Obock trọng yếu này. Đây cũng là nơi một tiền đồn của Mỹ vừa phải đóng cửa hoạt động hồi đầu tháng 8.
Việc chọn Djibouti phần nào bộc lộ ý đồ quân sự của Trung Quốc. Với việc nằm trên tuyến thương mại chiến lược nối kênh đào Suez và Ấn Độ Dương, từ Djibouti, máy bay tuần tra biển của Trung Quốc có thể bao quát hầu hết bán đảo Ả Rập và miền Bắc, Trung châu Phi mà không cần tiếp liệu. Thêm vào đó, cảng của Djibouti đủ sức đón tàu chiến Trung Quốc, kể cả chiếc tàu sân bay Liêu Ninh.
Từ lâu, giới phân tích đã nghi ngờ phải chăng tham vọng quân sự của Trung Quốc đang đội lốt kế hoạch “Một vành đai, một con đường” (OBOR) trị giá 140 tỉ USD nói trên. Nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton gọi tên tham vọng đó là mô hình “chuỗi ngọc trai” trong một nghiên cứu năm 2005, với mục tiêu cuối cùng là giúp hải quân Trung Quốc tiếp cận hàng loạt cầu cảng trải dài từ Biển Đông cho tới bờ biển Đông Phi. Danh sách các cảng nằm trong “chuỗi ngọc trai” mà Bắc Kinh chưa một lần thừa nhận này gồm Colombo (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan), Chittagong (Bangladesh), đảo Maday (Myanmar) và Victoria (Seychelles).
Su-35 và Biển Đông
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 8-12 lên tiếng tuyên bố sẽ “theo dõi chặt chẽ” thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Singapore, trong đó có việc Mỹ triển khai máy bay do thám P-8 Poseidon tới đảo quốc Đông Nam Á với mục tiêu “tăng cường tương tác với quân đội các nước trong khu vực, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và an ninh hàng hải”. Tuy nhiên, 2 quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá bản thỏa thuận sẽ cho phép P-8 Poseidon Mỹ cất cánh từ Singapore, giúp Washington giám sát chặt chẽ hơn mọi hoạt động quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Bình luận viên Dan De Luce từ Foreign Policy nhận định bản thỏa thuận phản ánh mối lo lắng của Singapore trước những hành vi leo thang của Bắc Kinh đối với các tranh chấp chủ quyền. Nó cũng cho thấy một thực tế rằng các nước trong khu vực đang có xu hướng viện tới Mỹ như một đối trọng nhằm chống lại những chính sách bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi động thái mới nhất của Mỹ là thúc đẩy quân sự hóa khu vực, tờ The Hindu hôm 9-12 nhận định chính Bắc Kinh mới đang tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông bằng thỏa thuận mua 24 chiến đấu cơ Su-35 của Nga.
Giới phân tích cho rằng lý do địa chính trị giữ vai trò lớn trong thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD này. Với khả năng cất cánh từ những đường bay ngắn, Su-35 có thể được triển khai đến các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Hy vọng Su-35 có thể đối trọng với máy bay tàng hình F-35 của Mỹ, Trung Quốc còn muốn nhân tiện “học hỏi” hệ thống radar và động cơ của máy bay Nga, như thừa nhận của mạng tin tức quân sự của Thời báo Hoàn cầu.
Có lẽ vì vậy mà theo nhà bình luận quân sự Konstantin Bogdanov của Lenta.ru, một số công nghệ và thiết bị quan trọng của Su-35 sẽ không xuất hiện trong phiên bản xuất khẩu cho Trung Quốc. Điều này hẳn là sự rút kinh nghiệm từ phía Moscow sau bài học năm 1990: Họ bán Su-27 để rồi Trung Quốc có ngay bản sao là tiêm kích J-11.
Mặt khác, việc Nga chọn Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Su-35 cũng ngầm gửi tín hiệu tới Ấn Độ. Từ năm 1990, Nga hiếm khi bắt đầu một thương vụ vũ khí nào với Trung Quốc mà sau đó không nhận được hợp đồng tương tự từ Ấn Độ. Hiện New Delhi đang thương lượng mua của Nhật Bản 6 tàu ngầm và 12 thủy phi cơ tuần tra US-2.