Những vụ án mua bán người mà TAND tỉnh Tây Ninh đưa ra xét xử trong thời gian gần đây, những kẻ phạm tội đã phải chịu nhận những hình phạt thích đáng của pháp luật. Thế nhưng, chính các nạn nhân cũng có phần lỗi, xuất phát từ tư tưởng “vọng ngoại”, muốn đổi đời nhanh chóng bằng cách lấy chồng nước ngoài, bất chấp hậu quả, vô tình trở thành món mồi ngon cho bọn mua bán người.
Một vụ án mua bán người được TAND tỉnh đưa ra xét xử lưu động. |
Trong các phiên toà, các thành viên Hội đồng xét xử thường nhắc nhở về sự nhẹ dạ, cả tin khi nghe theo lời của những kẻ mua bán người, để rồi trở thành “món hàng” bị mua bán. Trong đó có không ít cô gái trở thành nạn nhân của bọn mua bán người lại do chính các bậc sinh thành của họ gián tiếp gây ra.
Trong một phiên toà cách đây vài năm, Phạm Thị Hồng Đức- kẻ cầm đầu một đường dây mua bán người ở huyện Gò Dầu khai rằng, chính người mẹ của một nạn nhân trong vụ án đã nhờ Đức mai mối để gả con cho người nước ngoài.
Trong vụ án đó, cay đắng nhất là bị cáo Nguyễn Thị Tâm, bởi trong số các nạn nhân có cả con ruột của bị cáo này. Khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Tâm còn không biết hiện nay con mình đang sống như thế nào ở xứ người.
Phiên toà xét xử bị cáo Đào Thị Trúc Phương (SN 1990), Nguyễn Phương Thảo (SN 1984, cả 2 ngụ tại ấp Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên) về tội “Mua bán người” và “Mua bán trẻ em” còn khiến nhiều người đau lòng hơn, bởi những nạn nhân là trẻ em đã bị dụ dỗ đưa sang Malaysia bán dâm.
Năm 2012, Phương sang làm tiếp viên karaoke tại Malaysia, rồi quen biết với 1 đối tượng tên Ty Ty và tên Khỉ là người Malaysia. Ty Ty bàn với Phương là về Việt Nam tuyển chọn các cô gái trẻ đẹp để Ty Ty đưa vào các khách sạn bên Malaysia hoạt động mại dâm.
Sau đó, Phương về Việt Nam bàn với mẹ ruột là Nguyễn Thị Giàu và chị dâu là Nguyễn Phương Thảo tìm phụ nữ Việt Nam giao lại, mỗi trường hợp Phương trả công 2.000.000 đồng. Bà Giàu tuyển chọn được 4 phụ nữ Việt Nam- trong đó có người chỉ mới 16 tuổi, giao cho Phương đưa sang Malaysia, giao lại cho Ty Ty đưa vào khách sạn bán dâm.
Các nạn nhân trong vụ án này cho biết, khi nghe Giàu và Thảo nói sang Malaysia làm tiếp viên nhà hàng với mức lương cao, họ nhận lời vì muốn có nhiều tiền để lo cho gia đình.
Khi sang Malaysia họ mới biết sự thật và bị ép bán dâm. Nhiều người thắc mắc, tại sao gia đình dám giao con còn nhỏ tuổi cho theo Phương đưa sang Malaysia để làm tiếp viên nhà hàng? Có phải chính các bậc cha mẹ này đã gián tiếp “góp sức” cho Phương trong việc “hại” con mình?
Trong phiên xét xử lưu động một đường dây mua bán người tại trụ sở UBND xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, có 3 bị cáo gồm Nguyễn Thị Hà, Trần Thị Kim Biên và Nguyễn Hồng Lộc (cùng ngụ tại ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên), trong đó Hà được coi là kẻ cầm đầu.
Trước đây, Hà cũng là nông dân chất phát, sống bằng nghề làm rẫy tại địa phương. Từ khi con gái Hà tên Đặng Thị Nga có chồng và định cư ở Malaysia thì Hà đổi khác. Không biết khi sang Malaysia Nga làm nghề gì, mà vào cuối năm 2011, Nga bàn với mẹ thiết lập đường dây đưa các cô gái Việt Nam sang Malaysia bán dâm.
Hà bàn với Nguyễn Hồng Lộc và Trần Thị Kim Biên đi tìm các cô gái đưa sang Malaysia giao cho Nga, mỗi cô gái tìm được Biên và Lộc được trả công 2.000.000 đồng.
Trong thời gian hoạt động, bộ 3 Hà, Biên và Lộc tuyển chọn được 10 cô gái, trong đó có 7 nạn nhân đã bị đưa sang Malayasia, còn lại 3 nạn nhân chưa bị sập bẫy.
Trong vụ án này, nghiệt ngã nhất là gia đình bị cáo Nguyễn Hồng Lộc, bởi chính bị cáo này đã giao người con gái của mình cho Hà đưa sang Malaysia làm gái mại dâm. Đến ngày bị cáo Lộc ra đứng trước vành móng ngựa thì con gái Lộc vẫn chưa được trở về Việt Nam.
Khi được hỏi, tại sao dám giao con mình cho người khác đưa ra nước ngoài, cả Lộc và chồng đều “đổ” cho hoàn cảnh khó khăn và “không biết” Hà sắp đặt.
Như vậy, qua nhiều vụ xét xử cho thấy, không ít cô gái trở thành nạn nhân các đường dây “mua bán người” là có sự “góp tay” của chính người thân trong gia đình.
Trong đó có bậc cha mẹ còn “tự nguyện” tìm đến các đối tượng “mua bán người” để nhờ “mai mối” cho con mình lấy chồng nước ngoài, vô tình biến con mình trở thành “món hàng” trong tay họ. Đến khi bi kịch xảy ra, hầu hết họ đổ lỗi cho hoàn cảnh, chứ chẳng mấy người nhận ra đó là sai lầm của mình.
Theo NLĐ