“Nghe thông tin vì chậm bàn giao mặt bằng mà một ngày bị phạt mấy tỷ chúng tôi rất xót ruột. Nước ta còn nghèo mà chịu như vậy thì sao chịu nổi? Tại sao chúng ta không có những giải pháp tốt hơn để giải phóng mặt bằng trước khi đầu tư dự án để hiệu quả hơn?”, ông Hưng trăn trở.
Đại biểu Nguyễn Đình Hưng xót xa khi nghe thành phố phải bồi thường hàng tỷ đồng mỗi ngày chỉ vì chậm giao mặt bằng trong 1 dự án |
Theo ông Hưng, vấn đề bàn giao mặt bằng chậm đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết, đã được cảnh báo nhưng không mấy cơ quan mặn mà. Từ việc này dẫn đến việc triển khai dự án chậm làm tăng vốn, gây lãng phí rất lớn.
Phát biểu trong phiên khai mạc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cũng thừa nhận tình hình kinh tế xã hội thành phố vẫn còn khó khăn, thách thức, năng lực cạnh tranh của thành phố so với khu vực, một số mặt đang sụt giảm, một số hạ tầng kỹ thuật của thành phố chưa phát triển kịp với nhu cầu và thiếu đồng bộ…
Bà nói: “Cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu với sự phát triển, nhiều mặt chưa thể hiện được phục vụ nhân dân về mặt hành chính, người dân vẫn chưa hài lòng, tham nhũng và lãng phí chưa chuyển biến mạnh mẽ, dự án đầu tư công chậm tiến độ, gây lãng phí”.
Các dự án đầu tư hạ tầng đang gây lãng phí lớn (ảnh: metro số 1) |
Không chỉ ông Hưng mà nhiều đại biểu khác cũng bức xúc về tình trạng đầu tư công lãng phí trong đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như nhiều lĩnh vực khác. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bất bình về tình trạng ngân sách trợ giá cho xe buýt rất nhiều mà phát triển chưa xứng tầm, có dấu hiệu ngày càng “xuống dốc”.
Bà nói: “Chỉ tiêu năm nào cũng không đạt mà chúng ta vẫn trợ giá hàng ngàn tỷ đồng/năm. Năm qua còn xảy ra tình trạng vi phạm, phải thanh tra công tác trợ giá khiến chúng tôi phải suy nghĩ về hiệu quả của việc đầu tư ngân sách để trợ giá cho xe buýt đang thực hiện như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy?”.
Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cho rằng: “Hình như mô hình quản lý xe buýt của chúng ta đang áp dụng là quản lý ngược. Ví dụ ở các nơi, xe buýt giờ tốt, tuyến tốt thì ưu tiên cho doanh nghiệp đấu thầu; xe buýt nhà nước nhận chạy trong giờ xấu, tuyến xấu để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trong khi đó, ở thành phố ta thì xe của các xã viên trong các doanh nghiệp nhà nước nhận toàn tuyến tốt mà hoạt động rất kém, xe nhếch nhác, cả gia đình cùng sống trên chiếc xe, phục vụ thì kém…”.
Ông Hiếu khẳng định: “Nếu chúng ta cho xã hội hóa, đấu thầu các giờ tốt, tuyến tốt cho các doanh nghiệp tư nhân khai thác thì sẽ đấu thầu được giá tốt, không cần trợ giá bù lỗ. Còn về việc quảng cáo trên xe buýt để giảm trợ giá từ ngân sách, các nơi đều làm mà mình loay hoay mãi chưa làm được thì không hiểu nổi!”.
Về vấn đề này, đại diện của Sở Giao thông vận tải tại tổ thảo luận số 1 đã giải thích việc xe buýt chậm phát triển bằng nhiều nguyên nhân như: xe cá nhân tăng cao chiếm đường của xe buýt; chi phí ngày càng tăng bởi tiền lương, khoản sửa chữa cũng tăng… Cách giải thích sáo mòn khiến các đại biểu không hài lòng vì không có giải pháp đột phá.
Về việc quảng cáo trên xe buýt, vị này cho biết: “Ngày 21/10/2015, UBND TP cũng đã cho quảng cáo trên xe buýt. Trên cơ sở đó, Sở GTVT đã làm việc với 2 doanh nghiệp, thống nhất chủng loại xe, luồng tuyến. Đồng thời sở cũng đã phân công trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng làm việc này. Trung tâm đang chọn đơn vị thẩm định giá và đấu giá. Dự kiến trong tháng 12 này sẽ tiến hành đấu giá để triển khai”.
Theo Dân Trí