Đêm sinh tử của bé trai bị bỏ rơi ở cô nhi viện

Thứ tư, 09/12/2015, 08:59
Bị bỏ rơi trước cổng cô nhi viện, bé Phúc trải qua một đêm lạnh lẽo, không mặc quần áo và chưa cắt dây rốn.

Cô nhi viện Hoa Mai (huyện Long Thành, Đồng Nai) được thành lập năm 1994. Hai năm sau, cô Phan Thị Thới đến công tác và gắn bó mãi cho đến nay đã gần 20 năm. Ở tuổi 70, cô Thới vẫn làm mọi việc để vun vén thêm cho tổ ấm của các trẻ em thiếu may mắn, bất kể bệnh tật và đôi chân tật nguyền. Trong hơn 100 bé tại đây, bé Phan Phúc Lộc là nhỏ nhất và cũng đáng thương nhất, đến với cô nhi viện trong cơn đói sữa và bị bỏ rơi.

Vào lúc xế chiều ngày 12/3 trên tuyến đường xã Long Phước, huyện Long Thành, theo lời kể của người dân địa phương, một người đàn ông vội vàng, lấm lét mang theo chiếc bọc vải giấu sau lớp áo khoác. Người ta phát hiện trong bọc vải là một đứa trẻ mới lọt lòng, còn cả dây rốn, toàn thân lạnh cóng vì không mặc áo quần. Các dấu hiệu cho thấy, bằng một lý do nào đó, em đã bị mang đi ngay khi vừa lọt lòng mẹ.

Bé Lộc bị bọc trong túi vải, bỏ trước cổng cô nhi viện trong một đêm lạnh lẽo. Ảnh cắt từ video tái hiện

Cô Thới cho biết, theo chẩn đoán của trạm y tế thì em bé chỉ mới hai ngày tuổi. Khi bồng đứa bé trên tay, cô Thới vô cùng lo lắng bởi vẻ xanh xao, run rẩy vì lạnh sau một đêm phơi mình giữa trời của cháu bé. Đây cũng là cháu bé nhỏ nhất trong suốt 20 năm gắn bó cùng cô nhi viện của cô Thới.

Thật may khi lúc ấy có chị Đỗ Thị Quỳnh Trâm là một thành viên của cô nhi viện và cũng là cộng tác viên chuyên viên khoa sơ sinh, bệnh viện huyện Long Thành. Chị Trâm hướng dẫn các cô cách vệ sinh, chăm sóc em bé bằng nước ấm và tránh làm tổn thương dây rốn dẫn đến nhiễm trùng.

Cuộc chiến sinh tử, đơn độc đầy khó khăn dường như quá sức với một đứa trẻ 2 ngày tuổi. Dù được mặc quần áo và ăn no nhưng trong đêm đầu tiên, em bé chuyển từ lạnh run sang nóng sốt. Thân nhiệt thay đổi liên tục là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bé đang gặp vấn đề do đã bị ngấm sương đêm từ hôm trước. Cả đêm hôm ấy, các mẹ cũng không ngủ, đút từng muỗng thuốc và ấp hơi ấm cho bé qua cơn nguy kịch, truyền yêu thương và sức mạnh cho em.

Chị Quỳnh Trâm cho biết: “Trong quá trình chăm sóc, bé khóc rất nhiều, không biết có phải bé đang cần đến tình thương của mẹ hay không. Do không phải máu mủ nên thời gian đầu, các cô chăm sóc bé không thể được như mẹ ruột".

Mỗi lần thấy em ngủ, mẹ Thới lại quặn lòng khi nghĩ đến sự bơ vơ của một sinh linh nhỏ bé giữa màn trời chiếu đất. Mẹ Thới đặt cho em cái tên Phan Phúc Lộc như một lời chúc hạnh phúc, sung túc suốt cuộc đời mẹ dành cho em. 10 đêm trôi qua nhưng em bé vẫn bị sốt, ho đờm, quấy khóc. Các bác sĩ cho biết do chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết ngay từ lúc mới sinh nên sức khỏe không được tốt, đường hô hấp của em bị ảnh hưởng nặng. Chỉ có tình thương ấm áp mới là liều thuốc thần kỳ giúp em vượt qua giai đoạn sinh tử.

Đến nay, bé Phan Phúc Lộc đã được 7 tháng tuổi. Em khoẻ mạnh, bú tốt và lại rất hay cười. Mỗi tháng em đều được mẹ Thới đưa đi bác sĩ để kiểm tra đường hô hấp. Là bé nhỏ nhất nên em được các anh chị lớn hơn hết mực yêu thương. Cũng như các bạn, em sẽ được lớn lên trong sự bảo bọc, yêu thương của các mẹ tại cô nhi viện Hoa Mai.


Câu chuyện của bé Lộc nằm trong series Khoảnh khắc sinh tử phát sóng trên kênh HTV7 vào lúc 11h30 trưa chủ nhật hàng tuần. Trăn trở cho các em, cô Thới tâm sự: “Dù đã nuôi hơn một trăm cháu nhưng chắc chắn tình thương và sự quan tâm của các cô không thể sánh bằng những gia đình chỉ có một, hai con. Vì thế cô luôn cảm thấy các con của mình bị thiếu thốn, thiệt thòi”.

Theo Ngôi Sao

Các tin cũ hơn