Tỷ lệ người lao động có trình độ sau đại học thất nghiệp ngày càng trầm trọng. |
Trong khi chờ việc, cô phải làm nhiều nghề để sống qua ngày. Mức thu nhập của nhân viên lễ tân, phụ bàn, tiếp thị chỉ 3,5-4 triệu đồng một tháng. Linh phải ki cóp, tính toán chi li mới vừa đủ trả tiền thuê phòng, ăn uống, sinh hoạt...
"Việc làm thời vụ không ổn định, thu nhập lúc lên lúc xuống, không có chế độ, bảo hiểm - không bằng nhiều bạn bè chỉ học nghề làm công nhân may, giấy tiền ở quê. Nghĩ tới chuyện đi xin việc, tôi cảm thấy chán nản và hụt hẫng thực sự", Linh chia sẻ.
Linh chỉ là một trong số hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tính đến quý III/2015. Trong đó, riêng nhóm người có trình độ sau đại học (cử nhân, thạc sĩ...) cao nhất, chiếm 20% là hơn 225.000 người. Dự báo, trong thời gian tới, con số này có xu hướng tăng lên.
Nghịch lý là những người trong nhóm này gần như không có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người không có chuyên môn kỹ thuật bằng chứng chỉ, có trình độ sơ cấp, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp lại có xu hướng giảm mạnh. Điều này cho thấy, bất cập giữa cung và cầu của thị trường lao động ngày càng trầm trọng.
Song, theo Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tâm lý sính bằng cấp vẫn diễn ra. Phần lớn tâm lý người lao động lựa chọn những trường cao đẳng, đại học với ngành nghề "sang trọng" để học thay vì những trường trung cấp, cao đẳng nghề.... Việc học đáp ứng nhu cầu tâm lý của người lao động chứ không phải nhu cầu về việc làm khi ra trường.
Một nguyên nhân nữa theo bà Hương là việc phân luồng trong quá trình tuyển sinh chưa dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. "Các trường đại học đua nhau mọc lên, lấy điểm rất thấp. Và đương nhiên ít ai lại có tâm lý đi học hệ thấp hơn. Hệ lụy là đào tạo trình độ chưa tới, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường thực tế", Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội cho hay.
Bên cạnh đó, người lao động trong nước cũng chưa chủ động trong việc xác định nhu cầu việc làm. Do đó, bản thân họ nên sử dụng thông tin thị trường lao động để điều chỉnh phù hợp với tín hiệu thị trường.
Nghiên cứu của JobStreet (mạng quảng cáo việc làm Đông Nam Á) cho thấy, chất lượng lao động của Việt Nam chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Diệu Anh, Giám đốc công ty AIM Academy cho biết, một trong những vấn đề nan giải hiện nay đó là nguồn cung nhân lực đặc biệt ở phân khúc cấp cao còn hạn chế. Đó là lý do DN buộc phải tự chọn giải pháp "săn người" từ công ty đối thủ.
Tại buổi Tổng kết các vấn đề lao động, người có công và xã hội (Bộ LĐ, TB-XH) diễn ra cuối tuần trước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra vấn đề: "Ngay bây giờ, bao nhiêu người học đại học ra không có việc làm? Việc này cần phải giải quyết triệt để, đào tạo nghề cần phải thiết thực hơn. Vì suy cho cùng, đó là tiền, nguồn lực của đất nước khi còn rất nghèo".
Theo đó, cơ sở chỉ mở lớp khi biết chắc người đi học cần phục vụ cho nhu cầu thiết thực của mình, để có việc làm tốt hơn chứ không phải học vì chính sách. Thị trường lao động cần gắn kết chặt chẽ hơn thông qua doanh nghiệp.
"Chúng ta sẽ không đánh giá đơn thuần thông qua số lượng người tham dự lớp học mà phải đánh giá thực chất nhu cầu học của họ. Bên cạnh đó, nếu người lao động muốn có việc làm thì DN phải có sản xuất, môi trường doanh nghiệp, đầu tư tốt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong quý III/2015, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên (15-24 tuổi) tăng 7,5% so với quý II, gấp 3,1 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao.
Cũng theo Bản tin thị trường lao động quý III/2015 (Bộ LĐ,TB-XH), tình trạng thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) tăng mạnh, từ 17 lên 25%.
Theo Zing