Cận Tết lại lo mất hành lý ở sân bay

Thứ hai, 28/12/2015, 10:22
Năm hết Tết đến, mùa Việt kiều về quê ăn Tết, chuyện bị mất hành lý ở sân bay lại "rộ" lên thành nỗi lo của không ít người. Hiện trạng này dù đã có từ lâu nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Ngày 11-6, tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận trường hợp hành lý khách hàng bị rạch, không nguyên vẹn trước khi đến sân bay

Theo báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chín tháng đầu năm 2015 đã có 1.346 trường hợp hành lý rách, vỡ trên hầm hành lý máy bay hay khu vực băng chuyền.

Đặc biệt, Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất còn phát hiện 15 trường hợp nhân viên các đơn vị phục vụ mặt đất lấy đồ vật, tài sản trong hành lý của khách; 8 trường hợp hành khách lấy đồ của nhau và bắt quả tang 7 trường hợp trộm cắp điện thoại ở khu vực công cộng…

Đủ chuyện mất đồ tại sân bay

Bạn Hoàng Nguyễn Lam Vi - du học sinh Mỹ - chia sẻ chuyện mình bị mất mỹ phẩm mua từ Mỹ đem về VN tặng bạn bè người thân ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất:

“Lúc nhận hành lý tôi thấy vali mình đã bị bẻ khóa. Vài cây son và mấy hộp phấn tôi mua về làm quà đã mất sạch. Trị giá của mấy món đó tuy không quá lớn nhưng tôi vẫn rất bực mình. Giá trị của quà tặng đâu chỉ là về mặt vật chất?” - bạn Vi nói.

Theo Lam Vi, bạn từng nghe nhiều người than phiền về nạn mất trộm hàng hóa ở sân bay VN nhưng vẫn bán tin bán ngờ. Sau khi bị mất một lần, bạn chia sẻ: “Không còn nghi ngờ gì nữa, dịch vụ ở các sân bay VN quá tệ”.

Anh Nguyễn Phúc Đạt - Việt kiều Úc - vẫn còn cảm thấy tiếc nuối khi nhớ lại số quà mình mua cho người thân cũng bị mất tại sân bay Tân Sơn Nhất.

“Lâu lắm mới về có một lần vậy mà chưa gì đã gặp sự cố. Lúc phát hiện đồ đạc bị mất, bao nhiêu háo hức mong chờ tan biến sạch. Về chỉ có độ một tuần thôi nên cũng chẳng kịp đi mua quà khác. Nhớ lại thì thấy ai rạch túi mình có tâm thật, còn “cẩn thận” dán kín bằng băng keo, chắc sợ rớt mất thêm đồ” - anh Đạt chua chát.

Một bạn có Facebook cá nhân tên Mỹ Tiên kể: “Có lần chúng tôi lên máy bay thì các khoang chứa hành lý trên hàng ghế của chúng tôi và các hàng gần kề đã đầy hết. Chúng tôi được hướng dẫn để hành lý của mình ở khoang chứa trên hàng ghế cuối. Khi chuyến bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, chỉ có một cửa mở cho hành khách đi xuống, vậy nên chúng tôi phải ngồi đợi mọi người xuống hết mới đi ngược lại lấy hành lý được. Nhưng thật không ngờ trên khoang cuối không có hành lý của chúng tôi.

Sau khi kiếm hết trên máy bay không thấy thì chúng tôi được mời xuống sân bay, đến quầy hành lý thất lạc. Khi mọi người cùng chuyến bay đã về hết thì chỉ còn chúng tôi và một gia đình mất hành lý ký gửi ở lại. Chúng tôi chờ đợi cách xử lý của VietJet Air, nhưng câu trả lời cuối cùng của họ là: “Hành lý xách đem lên máy bay thì khách phải tự quản lý, hãng không quản lý giùm”. Chúng tôi rất phiền lòng về cách nói vô trách nhiệm này”.

Theo bà Vũ Thị Hồng Ngọc - cựu giảng viên khoa du lịch (ĐH Kinh tế TP.HCM), khách hàng bị mất hành lý chỉ biết để lại thông tin cho quầy thất lạc, nếu sân bay tìm được thì sẽ liên lạc chứ cũng không biết làm gì khác. Không thể cứ ngồi ở sân bay chờ nhân viên đi tìm mà còn biết bao công việc khác.

Hải quan lấy trộm?

Chủ một công ty chuyển phát nhanh ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết hàng hóa của công ty gửi máy bay để chuyển cho khách hàng cũng thường xuyên bị mất trộm.

“Chúng tôi vẫn biết có tình trạng này nhưng không thể làm gì được vì không có chứng cứ, buộc phải đền bù thiệt hại cho khách bị mất hàng theo quy định. Có những trường hợp khách bị mất iPhone hay đồng hồ hàng hiệu thì chúng tôi cũng phải đền ít nhất là 1/3 giá trị món hàng để còn giữ khách. Vừa tốn tiền vừa tốn công oan uổng, chúng tôi bực mình lắm nhưng không biết phải làm gì đành chịu thôi. Nhiều hàng hóa của chúng tôi có khi trị giá đến hàng trăm triệu, bị mất thì không biết tính sao” - vị chủ này lo lắng và bức xúc kể.

Bà Vũ Thị Hồng Ngọc cũng kể một trường hợp người thân của mình bị rạch lấy mất một… đĩa nhạc và giáo trình dạy piano.

“Vì đây là giáo trình ở VN không có nên mới phải mua từ nước ngoài, không ngờ thứ như vậy cũng bị lấy mất. Khi người nhà tôi nhận được hàng thì đã thấy bị rạch ra dán băng keo lại” - cô Ngọc kể.

Nhức nhối không chỉ của ngành du lịch

Bà Vũ Thị Hồng Ngọc cho rằng những vụ việc như thế này chắc chắn sẽ gây tổn hại rất lớn đến hình ảnh đất nước VN trong con mắt các Việt kiều cũng như bạn bè thế giới. Gặp phải những tai nạn này, du khách chắc chắn sẽ “một đi không trở lại”.

“Hàng bị mất có thể không có gì quý giá nhưng chắc chắn vẫn gây bực bội, thiếu tiện nghi cho hành khách. Ấn tượng đầu tiên đã như thế thì ngành du lịch cũng không có cách gì lấy lại thiện cảm được. Đó là chưa kể hành khách sẽ còn truyền miệng nhau hay chia sẻ lên mạng xã hội thì tiếng xấu còn “vang xa” - bà Ngọc nhận định.

Theo luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), khi giao dịch với hãng hàng không, khách hàng ký hai loại hợp đồng là hợp đồng vận chuyển hành khách và hợp đồng vận chuyển hàng hóa tài sản. Luật hàng không dân dụng, Luật dân sự và thậm chí cả Luật hình sự đều có những quy định bồi thường, xử phạt khi một trong hai hợp đồng này của khách hàng bị vi phạm. Tuy nhiên, việc xác định được lý do mất hành lý hay người lấy hành lý ở sân bay thường rất hiếm.

Thêm vào đó, việc bồi thường hay xử phạt cũng hiếm khi bằng được giá trị của vật bị mất, hành khách không mong muốn chuyện bồi thường mà chỉ mong hành lý mình mang đi được đảm bảo an toàn. Cho nên vấn đề ở đây không phải là luật pháp mà là các hãng hàng không phải làm sao hạn chế được tình trạng này.

“Đơn vị hàng không phải có cách để phát hiện lý do tại sao mất, nhanh chóng xác định xem thủ phạm là ai, đưa những người có hành vi xấu ra trước pháp luật. Nếu không có cách nào ngăn chặn hành vi chủ ý thì có đưa ra bao nhiêu quy định của pháp luật cũng bằng thừa” - LS Huỳnh Phước Hiệp nói.

Trang thông tin điện tử Cục Hàng không Việt Nam cho biết vào tháng 9-2015, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã ban hành Kế hoạch phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển đường hàng không.

Trong kế hoạch này, Cục HKVN tăng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; đồng thời tiến hành đánh giá lại toàn bộ nhân viên liên quan đến công tác phục vụ hành lý, hàng hóa, nhiên liệu tàu bay và có chế độ đãi ngộ, thù lao xứng đáng đi đôi với kỷ luật nghiêm khắc nhằm khuyến khích và răn đe người lao động.

Ngoài ra, các biện pháp an ninh phòng ngừa tích cực cũng được tăng cường như: trang bị hệ thống camera giám sát, tăng cường tuần tra, điều chỉnh hợp lý lối ra, vào riêng cho nhân viên, phương tiện nội bộ theo hướng hạn chế...

Theo TTO

Các tin cũ hơn