Tất bật với việc ở nhà nấu nướng, chăm sóc cậu con trai đầu lòng một tuổi nhưng Kiều Thư (23 tuổi, hiện sống ở thành phố Yao, tỉnh Osaka) vẫn cảm thấy mình là người may mắn khi lấy được một người chồng tốt cùng bố mẹ chồng rất tâm lý.
Thư quen chồng mình, anh Fukuda Mikihiro khi hai người làm chung tại một công ty cơ khí của Nhật có chi nhánh tại TP.HCM. Cuối năm 2012, anh Mikihiro được công ty mẹ ở Nhật cử sang Việt Nam công tác 6 tháng. Lạ nước, lạ cái lại không quen biết ai nên khi đó anh chỉ biết nhờ cậy cô gái kém 10 tuổi được phân làm việc cùng. Vốn tính cởi mở vui vẻ nên Thư rất tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, cô mua đồ dùng cần thiết, thức ăn vào mỗi dịp cuối tuần, thi thoảng đi uống nước cùng anh. Khi thấy anh không nấu cơm, toàn ăn mỳ qua bữa nên nhiều lần cô rủ anh về nhà ăn cơm cùng gia đình mình, cách chỗ anh ở chỉ khoảng 500 m. Từ tình đồng nghiệp, tình bạn, hai người nảy sinh tình yêu lúc nào không hay.
Tháng 4/2013, trước khi hết hạn về nước vài ngày, anh Mikihiro đã tặng nhẫn cầu hôn bạn gái và nhờ một người phiên dịch cùng mình đến nhà Thư để xin phép bố mẹ cho hai người cưới nhau. Cảm mến chàng trai Nhật hiền lành qua những bữa cơm "ké", gia đình Thư vui vẻ và ủng hộ hết lòng. Về nước được một tháng, anh Mikihiro đã lo mọi thủ tục cho bạn gái sang ra mắt bố mẹ mình. Họ tổ chức đám cưới và sang Nhật vào cuối năm 2013.
Kiều Thư cùng chồng và con trai. Ảnh: NVCC. |
Từng xem qua các bộ phim Nhật, thấy nhiều gia đình bố mẹ chồng nghiêm khắc và khá phong kiến nên Thư cảm thấy vô cùng lo lắng thời gian đầu mới về làm dâu. Thêm nỗi lo về bất đồng ngôn ngữ khiến Thư phập phồng lo sợ. Thế nhưng trái với suy nghĩ của cô, bố mẹ chồng rất cởi mở và yêu thương con dâu như con đẻ.
"Bố mẹ tôi ngoài 60 tuổi nhưng vẫn chưa nghỉ hưu, bố làm bảo trì điện còn mẹ làm đóng gói hàng trong một công ty. Sáng nào mẹ cũng dậy sớm để làm cơm hộp cho bố mẹ và chồng tôi mang đi làm. Mẹ còn cẩn thận để dành một phần cơm ngon lành cho tôi ngủ dậy ăn. Mẹ tôi rất tâm lý, lúc nào cũng bảo tôi ngủ thêm, tôi ra làm mẹ cũng không cho. Cả nhà đi làm hết, tôi ở nhà xem có gì cần sắp xếp thì làm, đến chiều phụ mẹ nấu cơm, rửa bát. Tôi không ngờ mình lại may mắn đến vậy", Thư chia sẻ.
Bố mẹ chồng dễ tính và sống rất hiện đại nhưng Thư cho biết làm dâu ở Nhật cũng giống ở Việt Nam, vẫn phải giữ ý tứ, đặc biệt lễ phép với người lớn tuổi và biết cách làm họ yêu quý mình. Cái gì chưa biết, điều gì không hiểu, Thư không ngại hỏi bố mẹ chồng, cô cũng cố gắng học tiếng Nhật từ chồng và những người trong gia đình để có thể giao tiếp tốt hơn. Để tình cảm thêm khăng khít, cô thường mua tặng bố mẹ những món quà nhỏ như chậu hoa, cây cảnh, quần áo, bánh gato, cùng ông bà làm cỗ, đón Giáng sinh, Tết...
Mẹ chồng Thư cũng rất tâm lý khi mua sách dạy tiếng Việt và cả tiếng Anh để nói chuyện, gần gũi hơn với con dâu. Cô muốn mua đồ gì bà cũng chở đi mua đến nơi đến chốn. Làm dâu đến nay hơn 2 năm nhưng cô gái Sài Gòn cho biết mẹ chồng chưa bao giờ to tiếng hay quát mắng điều gì, bà lúc nào cũng nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm sự như mẹ và con gái. Điều Thư ấn tượng nhất trong cách cư xử của bố mẹ chồng đó là việc họ luôn nói lời "cảm ơn" và "xin lỗi" với mình rất lịch sự, dù cô có vô tình đụng trúng người mẹ chồng, mẹ cũng nói "xin lỗi" với cô.
Hai ông bà còn rất tình cảm, cuối tuần luôn cùng nhau đi mua đồ, hát karaoke chỉ có hai người... Thư tự nhủ phải sống hạnh phúc như bố mẹ chồng, học từ chính những người trong gia đình chứ chẳng phải tìm kiếm đâu xa.
2 tháng sau ngày cưới, Thư thông báo có tin vui trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình. Anh Mikihiro dĩ nhiên là người vui mừng nhất, anh cẩn thận chăm sóc vợ từng ly từng tí, đưa vợ đi mua đồ, ra ngoài để thay đổi không khí...Ngày vợ đẻ, anh thức trắng đêm, nắm tay, xoa đầu động viên nhưng lo lắng khôn nguôi khi vợ đau đớn. "6 rưỡi sáng con trai tôi cất tiếng khóc chào đời sau một đêm vật vã. Anh xúc động rơi nước mắt. Anh lấy tay vội lau đi nhưng tôi kịp nhìn thấy. Giây phút đó tôi nhận ra đây đúng là người bố đích thực cho con mình", Thư tâm sự.
Khi em bé được hơn một tháng tuổi, vợ chồng Thư chuyển ra ngoài sinh sống để có không gian rộng hơn chăm sóc con. Bố mẹ chồng rất thoải mái về chuyện này và thường xuyên đến thăm đứa cháu đầu lòng. Thư cho biết hầu hết quần áo, đồ đạc của bé Fukuda Shuya đều là do ông bà mua hết. Khi đi ra ngoài, ông bà người bế cháu, người xách đồ chứ không để Thư phải tay xách nách mang bất cứ thứ gì. Những hành động tuy rất nhỏ nhưng cũng khiến nàng dâu Việt thêm yêu quý và kính trọng bố mẹ chồng.
Bố mẹ chồng của Kiều Thư luôn dành bế cháu, cầm đồ cho con dâu mỗi khi đi ra ngoài. Ảnh:NVCC. |
Chuyển ra ở riêng, tất bật với việc trông con, cho con ăn, giặt giũ cơm nước, nhà cửa nhiều khi lanh tanh bành nên mỗi khi đi làm về, anh Mikihiro lại giúp vợ dọn dẹp mọi thứ.
"Đã hơn 2 năm về sống chung một nhà, con tôi cũng đã 1 tuổi nhưng không ngày nào anh quên hôn tạm biệt tôi rồi dặn dò đủ thứ trước khi đi làm. Tối đến anh hôn chúc ngủ ngon. Những điều đó đã thành một thói quen hàng ngày, đến nỗi cu cậu cũng bắt chước hôn ba và mẹ", Thư hạnh phúc kể lại.
Mỗi cuối tuần nghỉ làm, anh Mikihiro luôn chở hai mẹ con đi chơi, lâu lâu lại chở đi mua sắm, hay làm đẹp. Anh luôn nói với vợ là phụ nữ thì phải làm đẹp, vì thế anh chẳng ngại ngùng ở nhà trông con để vợ đi làm tóc, hay bế con cho vợ chọn mỹ phẩm. Anh nói vợ đẹp thì anh cũng hãnh diện với bạn bè.
Những ngày lễ tết, hay kỷ niệm anh Mikihiro đều dành tặng vợ những món quà bất ngờ. Riêng Thư ngoài những cử chỉ quan tâm, thân mật hàng ngày, cô cũng tặng chồng những chiếc bánh gato hay những món quà be bé khiến chồng vui ra mặt.
"Chồng tôi rất chiều vợ, đi đâu cũng phải có vợ con đi cùng. Mỗi năm anh cho hai mẹ con về Việt Nam một tháng để tôi đỡ nhớ gia đình. Mấy đứa bạn tôi thường trêu rằng bao giờ tìm được người như anh mới lấy làm chồng", Thư hãnh diện kể về người chồng hơn mình 10 tuổi.
Hạnh phúc là thế nhưng hai vợ chồng Thư cũng không tránh khỏi những lúc hiểu nhầm hay có tranh cãi, nhưng hai người thường giải thích và làm hòa rất nhanh trong ngày. Thư kể chỉ có một lần, cô và chồng xích mích về một vấn đề, anh hơi to tiếng khiến con trai giật mình bật khóc. Thư run rẩy bế con lên phòng đồ chơi và nhất định không chịu xuống dù anh xin lỗi, dỗ dành.
Lần đầu tiên cô nói rằng muốn về Việt Nam. Anh buồn bã ôm chặt cô vào lòng và nói: "Dù có giận hờn gì nhau thì cũng đừng buông tay nhau ra nhé, vì không có 2 mẹ con em thì cuộc sống của anh sẽ không còn ý nghĩa gì. Tha thứ cho anh lần này nhé, anh hứa sẽ không bao giờ như thế nữa". Cảm nhận được sự chân thành trong lời nói của chồng, Thư ngậm ngùi nép chặt vào lòng anh.
Theo VnExpress