Chiến đấu cơ Fc-31 của Trung Quốc. |
Douglas Barrie, một chuyên gia cấp cao về hàng không vũ trụ tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London nhận định, công nghệ chế tạo động cơ của Trung Quốc còn thua xa công nghệ của Pratt & Whitney, General Electric hay Rolls-Royce.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng thừa nhận hiện vẫn còn chênh lệch về trình độ công nghệ quân sự giữa Trung Quốc và một số nước phát triển. Bộ này khẳng định thêm, Bắc Kinh sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh quân đội.
Thực tế, lệnh hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc kéo theo việc các nước phương Tây không cho phép xuất khẩu động cơ dùng cho mục đích quân sự cho Trung Quốc. Điều này buộc Trung Quốc phải “tự thân vận động” hoặc phụ thuộc vào động cơ của Nga.
“Các nhà sản xuất động cơ của Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều vấn đề”, Michael Raska, Phó giáo sư thuộc Chương trình hiện đại hóa quân đội của Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định.
Một trong những vấn đề được đề cập đến đó là các chiến đấu cơ tàng hình J-20 và J-31 của Trung Quốc không thể thực hiện các cuộc tuần tra đặc biệt, hay bay với tốc độ siêu âm giống như các máy bay tàng hình F-22 và F-35 do Lockheed Martin sản xuất nếu không sử dụng động cơ đốt sau. Ngược lại, nếu sử dụng động cơ đốt sau, máy bay sẽ bị vô hiệu hóa tính năng tàng hình vốn dùng để tránh radar.
Trung Quốc sản xuất chiến đấu cơ đầu tiên vào những năm 1950 với sự hỗ trợ của Nga. Chương trình chế tạo chiến đấu cơ nội địa của nước này chỉ thực sự bắt đầu vào những năm 1980. Hiện động cơ máy bay chiến đấu tốt nhất của Trung Quốc là WS-10A Taihang do Viện nghiên cứu Shenyang Aeroengine - công ty con của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo.
Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ những năm cuối 1980, Bắc Kinh đã gắn hơn 250 động cơ cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như J-10 và J-11. Mặc dù Bắc Kinh đã không ngừng cải tiến nhưng động cơ được coi là tốt nhất này vẫn gặp vấn đề về sức bền.
Một chuyên gia quân sự của Trung Quốc thừa nhận, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không thể mạnh như các chiến đấu cơ Mỹ do trình độ công nghệ động cơ thấp hơn. Điều đó sẽ khiến chiến đấu cơ Trung Quốc gặp bất lợi nếu phải “đọ sức” với chiến đấu cơ Mỹ hay của đồng minh Nhật Bản tại các vùng biển tranh chấp ở châu Á, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành và chuyên gia an ninh.
Cũng theo các chuyên gia, trong những năm tới, máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ phải đối đầu với chiến đấu cơ Mỹ ở Biển Đông nhiều hơn sau khi Trung Quốc triển khai chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đến một trong các đảo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi đầu tháng này.
Do vậy, nếu bất cứ xung đột nào xảy ra, Trung Quốc có vẻ sẽ dựa vào thế áp đảo về chiến đấu cơ cũng như kho tên lửa có thể phóng từ đất liền hoặc từ tàu chiến.
Để khắc phục những hạn chế này, vài năm trở lại đây, quân đội Trung Quốc đã coi việc củng cố năng lực chế tạo động cơ máy bay chiến đấu là một trong những mục tiêu hàng đầu.
Theo hãng tư vấn Galleon ở Thượng Hải, ước tính trong vòng 20 năm tới, Trung Quốc sẽ chi khoảng 300 tỷ USD cho chương trình phát triển động cơ máy bay cả quân sự và dân sự. Một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã thuê một số kỹ sư nước ngoài và các cựu quân nhân trong Không quân phát triển động cơ máy bay. Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng các động cơ do Nga sản xuất để trang bị cho các chiến đấu cơ. Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã đàm phán với công ty chế tạo động cơ máy bay quốc gia United Engine Corp của Nga về việc triển khai dự án chung nhằm phát triển và chế tạo động cơ quân sự. Cũng thời điểm đó, Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua 24 máy bay Sukhoi Su-35 - chiến đấu cơ tối tân nhất của Nga.
Theo Dân Trí