Ngấm đòn trừng phạt Nga, NATO tìm cách thoát Mỹ?

Thứ bảy, 30/01/2016, 07:50
Những động thái gần đây của NATO cho thấy tổ chức này đang tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ để mở rộng các mối quan hệ.

NATO mong muốn mở lại đàm phán với Nga

Ngày 28/1, ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xác nhận rằng liên minh này đang thảo luận việc mở lại kênh đàm phán chính thức với Nga sau khi mối quan hệ giữa hai bên bị "đóng băng" sau cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine nổ ra hồi tháng 4/2014.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh giữa NATO và Nga cần minh bạch để tránh những hiểu nhầm và rắc rối như vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay quân sự của Nga ở biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo ông, liên minh quân sự này đang cân nhắc khả năng tổ chức một cuộc gặp cấp Hội đồng Nga-NATO. Ông Stoltenberg không cho biết thêm chi tiết, nhưng hy vọng cuộc gặp Hội đồng Nga-NATO sẽ được tiến hành sau Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra vào ngày 10-11/2 tới.

Đây không phải là lần đầu tiên, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đưa ra lời đề nghị nối lại các cuộc đàm phàn với Nga nhằm tháo gỡ những khó khăn.

Ngày 21/1, Phát biểu với báo giới sau cuộc họp Tham mưu trưởng quân đội 28 quốc gia NATO ở Brussels, tướng Petr Pavel tuyên bố liên minh quân sự này muốn nối lại đối thoại với Nga vào cuối tháng Hai hoặc đầu tháng Ba tới, sau 20 tháng Hội đồng NATO-Nga ngừng các hoạt động đối thoại.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mong muốn mở lại đàm phán với Nga.

Ông Pavel cho biết cuộc gặp đầu tiên sẽ quy tụ đại sứ 28 quốc gia thành viên cùng Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko diễn ra sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO vào ngày 10-11/2 tới.

Trước đó, ngày 2/12/2015, Tổng Thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này đã quyết định triệu tập lại Hội đồng NATO-Nga nhằm duy trì các cuộc tiếp xúc chính trị với Moskva.

"Chúng tôi nhất trí duy trì các cuộc tiếp xúc chính trị với Nga.", ông Stoltenberg tuyên bố.

Theo Tổng thư ký NATO, liên minh quân sự này đã xác định được cách thức nhằm tận dụng vai trò của Hội đồng NATO-Nga một cách hiệu quả hơn cho mục tiêu hợp tác chính trị với Moskva.

Ông Stoltenberg cho biết thêm các nước thành viên thường trực của NATO đang xem xét các triển vọng khôi phục quan hệ NATO-Nga, song cũng lưu ý rằng thời điểm tổ chức cuộc họp mới của Hội đồng NATO-Nga sẽ được quyết định sau.

Trái ngược hoàn toàn với những động thái tích cực từ NATO, Mỹ lại đang thể hiện thái độ gay gắt với Moskva bằng việc đưa ra một loạt các lệnh trừng phạt và cấm vận.

Còn nhớ hôm 28/4/2014, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crimea, Nhà Trắng  đã công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga do căng thẳng leo thang.

Theo đó, Mỹ đóng băng tài sản và cấm thị thực bảy quan chức và doanh nhân Nga cùng 17 công ty “có quan hệ mật thiết” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thậm chí ngay sau EU gia tăng cấm vận, trừng phạt Nga, ngày 22/12, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhà Trắng sẽ tiếp tục áp đặt cấm vận đối với 34 cá nhân và tổ chức ở Nga nhằm gây sức ép buộc nước này phải dừng những hoạt động liên quan đến Ukraine.

"Những biện pháp này nhằm củng cố cam kết của Mỹ trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, qua việc duy trì trừng phạt đối với Nga",  thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ.

Thực tế trên đã phản ánh mối quan hệ có phần rạn nứt giữa Mỹ và NATOhiện nay. NATO dường như đang ngấm dần những biện pháp cấm vận ngược mà chính quyền Tổng thống Putin triển khai trong suốt hơn 1 năm qua. Vì thế tổ chức này đã đi ngược lại với quyền lợi của Washington và lựa chọn đối thoại, tìm cách làm dịu mối quan hệ căng thẳng với điện Kremlin. Đây là một giải pháp chính trị hoàn toàn hợp lý vào thời điểm này.

NATO đang tìm cách thoát khỏi Mỹ?

Đây không phải là lần đầu tiên các thành viên trong khối NATO bỏ mặc những ý kiến của Mỹ và tự tiến hành các biện pháp đối thoại, hợp tác ngoại giao của riêng mình.

Trước đó, ngày 17/3/2015, các nước Anh, Pháp, Đức, Italia đã  đồng ý tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

AIIB đặt trụ sở tại Bắc Kinh với phần lớn vốn đầu tư ban đầu là của Trung Quốc.

Ngân hàng này có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực và xây dựng “con đường tơ lụa” thế kỷ XXI nhằm đẩy mạnh kết nối nội khối và mở rộng thương mại khu vực với toàn cầu, bao gồm cả tuyến đường sắt từ Bắc Kinh đến tận Baghdad (Iraq).

Việc quyết định tham gia ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng của 4 nước đồng minh Mỹ đã giáng thêm những nỗi lo lắng cho chính quyền Tổng thống Obama.

Còn nhớ thời điểm khi mập mờ biết ý định của Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhà Trắng đã khuyên các đồng minh châu Âu không nên tham gia AIIB do lo ngại ngân hàng mới này sẽ làm giảm các tiêu chuẩn cho vay liên quan đến môi trường, quyền lao động và minh bạch tài chính, giảm thiểu vai trò của WB và IMF.

Trước những khó khăn, NATO đang tự tìm các giải pháp để thoát khỏi Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng, vai trò của cơ chế tài chính quốc tế hiện có như: IMF, WB, ADB… đều do Mỹ chi phối, không đáp ứng được nhu cầu phục hồi và tăng trưởng kinh tế của châu Âu. Việc giải cứu các nước thành viên Eurozone trong những năm vừa qua đã cho thấy điều đó.

Mặt khác, quan hệ của giữa Mỹ và các đồng minh trong khối NATO thông qua cuộc khủng hoảng Ukraine đã xuất hiện nhiều rạn nứt. Với sự lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp, Đức  buộc phải hy sinh quá nhiều lợi ích, nhất là vấn đề trừng phạt kinh tế Nga, trong khi Mỹ lại không có hành động nào đáng kể để sớm đưa Ukraine ra khỏi khủng hoảng.

Vì thế, lần này vì lợi ích của mình, một số nước châu Âu đã không chấp nhận lời khuyên của Mỹ và cố gắng thoát khỏi nước này. Mặc dù Mỹ đang triển khai chiến lược “tăng cường trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, nhưng mọi thứ vẫn trong tình trạng nói nhiều hơn làm. Trong bối cảnh châu Âu cũng đang có chính sách “hướng Đông”, quan tâm hơn đến châu Á, nên 4 nước chủ chốt châu Âu đã chọn tham gia AIIB, bất chấp lời khuyên từ Mỹ.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn