Các Táo quân là người coi sóc bếp lửa trong gia đình.
Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, thần Táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình đồng thời thay gia chủ bày tỏ mong muốn một năm mới vạn sự an lành.
Vào ngày này, nhà nhà đều thành kính sắm sửa lễ vật để tiễn ông Táo chầu trời.
Thông thường trong ngày này, các gia đình sẽ kết hợp làm lễ “quan soái” hay còn gọi là sửa bát hương.
Riêng đối với lễ “quan soái” thì cần phải làm trước khi làm lễ ông Công, ông Táo (lau bát hương, để lại 3 chân hương đẹp nhất lau sạch sẽ rồi cắm lại vào bát hương).
Làm lễ cúng tiễn ông Táo lên chầu Trời là một nghi lễ thiêng liêng trong tâm thức của người Việt. |
Cách sắm lễ cúng ông Công ông Táo
Việc cúng tiễn ông Táo được thực hiện tại gia. Lễ cúng ông Táo gồm có:
- Lễ mặn gồm xôi, gà, trầu cau.
- Ba bộ mũ áo, hia hài táo quân cùng vàng nén.
- Ba cá chép sống.
- Nhang thơm, bình hoa tươi cùng các loại quả tươi đẹp.
“Hiện nay, nhiều gia đình không dùng cá chép sống để cúng trong ngày này nữa, thay vào đó họ dùng cá chép giấy, sau khi cúng xong họ thiêu, hóa (âm hỏa).
Tôi nghĩ điều này là chấp nhận được, bởi dùng cá chép sống cúng xong rồi phóng sinh như hiện nay đôi khi không tốt cho môi trường.
Vì chưa chắc cá chép đã sống được, đó là chưa kể những kẻ trục lợi vớt cá chép ngay sau khi phóng sinh”, một chuyên gia phong thủy phân tích.
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.
Cúng ông Táo phải đặt trong bếp, khi cúng phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề, cả nhà quanh năm no ấm. Có người thì vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ.
Theo Soha