Nhiều nhà xe đón, trả khách sai quy định trên đường Nguyễn Thái Bình chiều 19/2 |
Ngày 26/2, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp vận tải (DN) sau một tuần gắn biển cấm dừng đỗ xe trên đường Nguyễn Thái Bình - Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
Khách ngại vào bến
Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở, việc lập bến, đưa đón khách trên đường Nguyễn Thái Bình - Lê Thị Hồng Gấm của các nhà xe Hoa Mai, Toàn Thắng, Kumho Samco, Thiên Phú… gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, lắp biển cấm dừng đỗ xe từ 9 chỗ trở lên cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa căn cơ.
Ông Lê Văn Huệ, Giám đốc hãng xe Hoa Mai cho biết DN vừa kinh doanh vận tải tuyến cố định, vừa kinh doanh theo loại hình hợp đồng (16 xe). Kể từ khi có đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, bình quân mỗi ngày, hãng xe Hoa Mai có 65 chuyến từ bến xe Miền Tây về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Khách từ Vũng Tàu về TP.HCM thì có 50 - 60% muốn xuống quận 1, trong khi TP.HCM chưa mở trạm dừng nên chúng tôi vi phạm. Chúng tôi đề nghị Sở cho xe Hoa Mai vào bến xe buýt. Hành khách quen địa điểm cũ rồi. Trước mắt, đề nghị cho sử dụng xe trung chuyển qua hầm Thủ Thiêm để thuận tiện cho hành khách. Hiện nay, nếu xe dừng đỗ trong nội thành sẽ kéo theo xe ôm, taxi, gây mất an ninh trật tự” - ông Huệ nói.
Theo ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc hãng xe Toàn Thắng: DN có 40 xe chạy tuyến miền Đông và 40 xe chạy tuyến miền Tây. Nếu tuân thủ quy định đưa rước khách trong bến xe thì công ty sẽ… phá sản. Theo đó, công ty đăng ký 40 xe tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ) và 40 xe ở Bến xe Miền Tây (BXMT) nhưng mỗi bến DN chỉ bán được khoảng 80 - 100 vé/ngày (2 hành khách/xe/ngày), trong khi DN phải tốn chi phí bến bãi và xe hầu hết là mới đầu tư.
“BXMT quá tải, nay dời chỗ này, mai dời chỗ kia. Chúng tôi chỉ được bố trí nửa quầy bán vé. Đề nghị lập trạm dừng trên đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt hoặc ở công viên 23 tháng 9. Lập trạm rồi, DN nào vi phạm thì rút giấy phép kinh doanh” - ông Khanh đề nghị.
Sở GTVT có lỗi
Ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc công ty bến bãi vận tải Sài Gòn cho rằng các nhà xe không thể nại lý do phải đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Xe chạy tuyến cố định thì phải đón trả khách ở bến xe.
Ông Vũ Việt Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết, xe dù đúng nghĩa ngày càng cũ, không được đăng kiểm nên hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay nổi lên là xe chở khách tuyến cố định núp bóng hợp đồng, du lịch. Việc kiểm tra, xử lý các đối tượng trên gặp nhiều khó khăn vì quy định còn nhiều bất cập.
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, Sở GTVT đã khảo sát từ nhiều năm trước, nay cần nhanh chóng công bố các điểm dừng đỗ đón trả khách trong nội ô nếu muốn xóa bến cóc, xe dù trong nội ô và phải làm triệt để nhằm đảm bảo quyền lợi của các DN làm ăn chân chính.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, ngành giao thông đã khảo sát nhiều địa điểm có thể làm trạm dừng nhưng do thận trọng nên đến nay vẫn chưa thực hiện vì lo trong nội thành lại xuất hiện nhiều bến bãi, gây ùn tắc, mất an ninh trật tự. “Đề xuất của các DN là thỏa đáng, Sở sẽ cân nhắc, quan trọng là chọn địa điểm nào phù hợp. Nếu làm không khéo, các xe tuyến cố định sẽ chuyển sang hợp đồng và chui hết vào nội ô”, ông Minh nói.
Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc, Thông tư 63 của Bộ GTVT quy định đối với vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh, Sở GTVT các địa phương có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, ban hành các điểm dừng đỗ đón, trả khách chứ không bắt buộc hành khách phải vào bến. Sở GTVT đã khảo sát nhưng chưa tham mưu UBND TP.HCM ban hành, vì vậy các tuyến cố định trở nên “khô cứng”, chỉ có hai đầu bến. Sự chậm trễ này là trách nhiệm của Sở GTVT.
Theo Tiền Phong