Trung Quốc tự cô lập

Thứ bảy, 27/02/2016, 07:48
ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, gắn kết đa phương và theo đuổi chủ nghĩa khu vực mở để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc

Lào bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2016 bằng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hẹp (AMM Retreat) tại thủ đô Vientiane trong 2 ngày 26 và 27-2.

Tại hội nghị đầu tiên được tổ chức sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015, các ngoại trưởng tập trung bàn về việc thực thi Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trao đổi quan điểm về những mối quan hệ giữa ASEAN với bên ngoài, các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tờ The Straits Times dẫn lời một số quan chức cho biết tranh chấp Biển Đông cũng sẽ được đề cập. Trước thềm hội nghị, hãng tin Philippines (PNA) khẳng định phái đoàn nước này, do Thứ trưởng Ngoại giao Laura del Rosario dẫn đầu, sẽ nêu vấn đề an ninh hàng hải, trong đó có việc Trung Quốc triển khai tên lửa và máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam gần đây.

Hôm 25-2, khi được hỏi liệu phía Việt Nam có nêu các diễn biến mới ở Biển Đông tại hội nghị AMM Retreat hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh: “Bất cứ vấn đề nào đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở khu vực sẽ được nêu ra”.

Theo giới phân tích, nước chủ nhà Lào sau một thời gian bị cuốn vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc thì dường như đang tách ra để đạt được thế cân bằng với các cường quốc khác. Một số nước vốn không công khai dè chừng Bắc Kinh thì nay cũng chủ trương tăng chi tiêu quốc phòng, nhất là đẩy mạnh hải quân, để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc - như Úc.

Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN để chuẩn bị cho AMM Retreat diễn ra ở Lào hôm 26-2

Ngay sau khi Úc công bố Sách trắng Quốc phòng hôm 25-2, Trung Quốc vô cùng giận dữ, bày tỏ “sự không hài lòng”. Không những chỉ trích Úc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 25-2 còn cáo buộc Philippines “gây hấn chính trị”, “vô trách nhiệm đối với người dân và tương lai của Philippines” khi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Kiêm chỉ trích việc Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris Jr., cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và ôm mộng “bá quyền” ở Đông Á.

Ông Harris trong tuần này nhấn mạnh Trung Quốc đã bồi lấn hơn 1.210ha đất nhân tạo trên Biển Đông trong hơn 2 năm qua, gấp nhiều lần so với khoảng 40ha khai hoang của các bên tranh chấp khác trong 45 năm. Vị đô đốc Mỹ cho biết ông lo ngại nhất là việc Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ “tính toán sai hoặc xung đột”. “Hành vi của Trung Quốc đang cô lập chính họ” - ông Carter phát biểu hôm 25-2, đồng thời khẳng định Washington đang đẩy mạnh hỏa lực ở Biển Đông và hợp tác nhiều hơn với các đồng minh, đối tác.

Ấn Độ được xem là đối tác an ninh mới của Mỹ. Cùng ngày 25-2, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain nhận định việc nước này và Ấn Độ cân nhắc tuần tra chung trên Biển Đông là động thái phù hợp trong tình hình hiện nay.

ASEAN hoan nghênh chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ nhưng không có nghĩa là trông cậy hoàn toàn vào Washington. Theo bình luận của The Straits Times, Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách chung sống với nhau mà không phải dụng binh đao. Do đó, ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, gắn kết đa phương và theo đuổi chủ nghĩa khu vực mở.

Một ASEAN đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh để giải quyết các vấn đề như Biển Đông. Ngoài ra, các cơ chế đa phương như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và những diễn đàn khu vực cũng có thể giảm đi sức mạnh của Trung Quốc.

Nhật Bản và Philippines hợp tác

Sớm nhất là trong tuần tới, Nhật Bản và Philippines sẽ ký thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ, chuyển giao thiết bị quân sự. Theo đài NHK hôm 26-2, đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này giữa Nhật Bản và một thành viên ASEAN, được xem là nỗ lực mới nhất của Tokyo nhằm đối trọng với Bắc Kinh.

Thỏa thuận trên dự kiến đề cập chi tiết loại thiết bị Tokyo cung cấp cho Manila, cũng như những biện pháp bảo vệ thông tin và hạn chế việc chuyển giao thiết bị, công nghệ cho bên thứ ba. Manila đang quan tâm đến máy bay huấn luyện của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản để cải thiện năng lực giám sát, tuần tra ở Biển Đông. Hai nước có thể thảo luận vấn đề này sau khi thỏa thuận được ký kết.

Là một trong những nước mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc khiêu khích ở Biển Đông, Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên với Philippines tại vùng biển này vào năm 2015.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn