Trung Quốc đã thành lập "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. |
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an, trao đổi với VnExpress về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và dự báo xu hướng.
- Ông đánh giá thế nào việc Trung Quốc gần đây liên tục bị phát hiện đưa vũ khí ra Biển Đông?
- Thực tế Trung Quốc đã có hoạt động quân sự hóa ở khu vực này từ những năm 1990, với đường băng dài 2.400m, một sân bay dành cho máy bay quân sự và bến cảng dành cho tàu chiến ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thông tin về tên lửa HQ-9 của Trung Quốc xuất hiện ngay sau khi lãnh đạo các nước ASEAN họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Sunnylands, California. Có thể coi đây là thông điệp "ngầm răn đe" của Trung Quốc, cảnh báo ASEAN đừng trông đợi dựa vào Mỹ để cản trở Bắc Kinh. Đồng thời nhắc nhở Washington "sẽ không làm được gì cả".
Một nguyên nhân khác là Trung Quốc muốn giảm "sức căng xã hội trong nước", hướng chú ý ra bên ngoài, khi kinh tế khoảng một năm nay sa sút nghiêm trọng, người dân lo lắng về tham nhũng, các vấn đề xã hội và môi trường bị hủy hoại.
- Ông có thể so sánh mức độ quân sự hóa của Trung Quốc ở Phú Lâm từ những năm 1990 và hiện tại?
- Trung Quốc thời điểm đó đã triển khai các máy bay tiêm kích J10, J11 đến Phú Lâm, các tàu chiến cũng thường xuyên neo đậu ở đây. Trung Quốc có 1.000 người, là dân binh, có trạm xá, trường học hình thành cái gọi là "thành phố Tam Sa". Bắc Kinh đang hình thành tổ hợp quân sự trên toàn bộ đảo Phú Lâm, có máy bay chiến đấu, tàu chiến, có thể có hệ thống radar cảnh báo sớm. Trung Quốc cũng có thể triển khai tên lửa đến các đảo nhân tạo trái phép khác ở Trường Sa, từng bước dần khống chế và độc chiếm Biển Đông.
- Ông có thể giải thích rõ hơn về việc "từng bước dần khống chế và độc chiếm Biển Đông"?
- Việc quân sự hóa Biển Đông thực hiện theo chiến lược chống tiếp cận, hình thành hai sân bay ở Gạc Ma và Chữ Thập, đưa tên lửa và radar tới. Nhìn từ trên cao, các điểm Phú Lâm (Hoàng Sa), Gạc Ma, Chữ Thập và Vành Khăn (ở Trường Sa) tạo thành thế liên hoàn, thành cụm cứ điểm quân sự. Nó có khả năng cho phép Trung Quốc khống chế toàn bộ lối vào Biển Đông. Họ đang trực tiếp đe dọa an ninh, an toàn hàng không, hàng hải ở đây. Có nguy cơ Trung Quốc sẽ lập Vùng nhận dạng phòng không, yêu cầu tàu chiến, máy bay các nước qua đây phải khai báo với họ. Diễn biến ở đây càng ngày càng phức tạp.
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. |
- Ông dự đoán phản ứng của Mỹ sẽ như thế nào?
- Tôi cho rằng Mỹ sẽ không lùi, họ sẽ tiếp tục đưa tàu chiến, máy bay tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép. Từ Tổng thống Obama đến Bộ trưởng Quốc phòng đến Tư lệnh Hải quân Mỹ đều tuyên bố họ sẽ đi tới khu vực mà luật quốc tế không ngăn cấm.
- Nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông lớn tới mức nào?
- Nếu có thì chỉ có Trung Quốc khơi mào thôi, nhưng họ không dám liều làm điều đó. Bắc Kinh khó đối đầu với Mỹ vì ba lý do, một là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tập trung chuẩn bị Đại hội 19 (năm 2017) và kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản (năm 2021), trong khi quan hệ Trung - Mỹ là xương sống của quan hệ đối ngoại. Hai là về tương quan lực lượng, Trung Quốc không thể đối đầu với Mỹ, chưa kể Washington có thêm các đồng minh là Nhật Bản, Australia. Ba là ông Tập muốn theo đuổi giấc mộng Trung Hoa, tập trung vào phát triển "một vành đai", con đường tơ lụa trên biển.
- Là một nước có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông, Việt Nam nên làm gì?
- Điều này tôi đã nói rất nhiều lần, Việt Nam cần tạo sự đồng thuận trong xã hội, sức mạnh của 90 triệu người là vô cùng lớn, khó có thể khuất phục được. Chúng ta cũng cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bắc Kinh không có đạo lý, họ bị nhiều nước phản đối về hành động và quan điểm ở Biển Đông, còn Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả thế giới.
Theo VNE