PGS TS Ngô Trí Long. |
Ông Long cho biết, với đủ loại hình kinh doanh đa cấp đang tồn tại hiện nay, người tiêu dùng cần trang bị cho mình kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông thái. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, không một doanh nghiệp nào có thể trả hoa hồng, lợi nhuận siêu cao như vậy, tới 65%, mà không kinh doanh gì, trừ trường hợp anh buôn bán hàng quốc cấm. Ngay bản thân tôi, có mấy người học trò cũng tham gia vào bán hàng đa cấp cũng đến chào mời nhưng tôi không tham gia. Kinh tế thị trường đã dạy, lợi nhuận càng lớn, rủi ro càng cao.
Nếu ngay từ đầu, với những hình thức kinh doanh như vậy, các cơ quan chức năng phải vào cuộc thì đã không có chuyện người dân ùn ùn lao vào và bị lừa. Vấn đề hoạt động của đơn vị này đã được báo chí đưa lên từ lâu rồi, giờ mọi chuyện vỡ lở, công an vào cuộc xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan quản lý có trách nhiệm lên tiếng.
Theo ông, với trách nhiệm là cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép, thu phí cấp phép kinh doanh đa cấp và cùng giám sát hoạt động kinh doanh đa cấp sau khi cấp phép, Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm gì?
Trong trường hợp này, cần xem Cục Quản lý cạnh tranh đã làm được những việc gì, chưa là những gì trong trách nhiệm của mình. Nếu phát hiện những đơn vị kinh doanh đa cấp có dấu hiệu nghi vấn, nếu không đủ thẩm quyền, thì phải phối hợp với quản lý thị trường, với cơ quan điều tra của công an để làm rõ. Ngay vụ việc Liên Kết Việt này, truyền hình cũng đã đưa lên từ lâu nhưng có thấy họ làm gì đâu. Ông cấp phép rồi thì phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Để như hiện nay, có nghĩa ông không làm tròn trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp này làm âm thầm thì mới có thể nói không biết đằng này họ hoạt động rất rầm rộ công khai để tạo lòng tin cho người tham gia.
Ở đây còn câu chuyện liên quan đến nhiều người người già tiết kiệm tiền nhiều năm để chữa bệnh, dưỡng già, nhưng đau khổ nhất là những người nghèo đã phải vay tiền, thế chấp tài sản để lấy tiền tham gia đường dây đa cấp. Nay, mọi chuyện đổ vỡ, những người này không có tiền để trả nợ. Đây là “cái tội”.
Vậy ở các nước khác, cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra các vụ lừa đảo, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng thì sẽ bị xử lý thế nào?
Ở các nước, để xảy ra vụ lừa đảo lớn, rầm rộ như thế, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý và thậm chí cắt chức lãnh đạo đơn vị được giao phụ trách quản lý lĩnh vực này. Ở họ, khi có vụ cầu sập, Bộ trưởng giao thông cũng bị cắt chức hoặc họ buộc phải từ chức vì chưa làm tròn trách nhiệm. Còn ở ta đáng lý, khi để xảy ra vụ việc như này thì Bộ Công Thương cần lên tiếng hoặc có ý kiến.
Cảm ơn ông
|
Theo TIền Phong