Chiều 24/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng.
Từng là thành viên Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) bày tỏ sự quan tâm tới tình hình kinh tế vĩ mô – một trong những nội dung được Chính phủ tập trung trong báo cáo tổng kết. Theo ông Giàu, 5 năm qua, điều hành của Chính phủ đã có thay đổi lớn, các bộ, ngành hoạt động trách nhiệm, sáng tạo.
Nhắc đến một doanh nghiệp FDI cụ thể, ông Giàu đánh giá cao việc tận dụng thời cơ, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài dù còn có những đánh giá khác nhau về lợi ích thu được từ hoạt động của doanh nghiệp thuộc khối này.
Bên cạnh đó, vị Chủ nhiệm Ủy ban bày tỏ sự lo ngại tới trụ cột nông nghiệp khi liên tục 4 năm qua, lĩnh vực này chững lại. “Năm 2012, nông nghiệp đóng góp 10,8 tỷ USD nhưng 2015 chỉ còn 7,8 tỷ USD. Thị trường, giá cả bấp bênh… tác động tới nhiều vấn đề xã hội”, ông Giàu nói.
Cũng theo ông Giàu, điều xã hội bức nhất vẫn là tham nhũng lãng phí. “Trưa nay tôi đọc báo trong đó có nêu câu chuyện nhà đầu tư Nhật sợ nhất ở Việt Nam là chi phí gầm bàn”, ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Quochoi. |
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền thì đánh giá, 2011-2016 là nhiệm kỳ có nhiều dấu ấn quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng. Tuy nhiên, điểm thiếu sót là chưa đề cập tới chiến lược kinh tế biển gắn với bảo vệ Tổ quốc.
Còn Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì dấu ấn của nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua là đã có sự tích cực chuẩn bị để có thể đi tiếp mục tiêu tiến bộ xã hội. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện thị trường lao động, thông qua sửa luật liên quan (Bộ Luật lao động sửa đổi, Luật việc làm)…
Trước góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ xin tiếp thu và sẽ điều chỉnh để có báo cáo hoàn chỉnh, trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Đạt 17/26 chỉ tiêu chủ yếu
Trước đó, trình bày dự thảo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đã điểm lại toàn bộ nội dung công tác trong nhiệm kỳ, trong đó nhấn mạnh vào công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 5 năm vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã thực hiện hàng loạt nhóm nhiệm vụ như tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững; Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh…
Riêng về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, đại diện Chính phủ khẳng định đã tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, tồn đọng, kéo dài.
“Chính phủ đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tạo điều kiện để nhân dân, MTTQ Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”, ông Định nêu.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng... Một số tổ chức, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quán triệt đầy đủ và quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng.
"Tình hình phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông đe dọa nghiêm trọng hoà bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và thực hiện các giải pháp phù hợp để giữ vững hoà bình và quan hệ hữu nghị với các nước" - trích dự thảo báo cáo của Chính phủ.
Nhìn lại 5 năm qua, Chính phủ cho rằng, mục tiêu tổng quát đã đề ra cơ bản thực hiện được. Trong đó, đáng kể nhất là việc kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước.
Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đại diện cơ quan thẩm tra, nhận xét, nội dung của báo cáo còn nặng tính hành chính và tập trung chủ yếu vào những kết quả đạt được trên các lĩnh vực. Ông đề nghị bổ sung nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội…
“Đề nghị báo cáo bổ sung để đưa ra được những đánh giá, nhận định khái quát nhất về tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ với những phụ lục kèm theo, rà soát số liệu bảo đảm để không chồng chéo, mâu thuẫn”, ông Lý nói.
Theo dự kiến Chương trình kỳ họp, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ sẽ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày ngày 23/3, một ngày sau khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.
Kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước
Kỳ họp Quốc hội 11 khóa XIII dự kiến khai mạc ngày 21/3 và kết thúc vào 9/4. Trong khoảng 16 ngày làm việc, Quốc hội dành 3,5 ngày để nghe, thảo luận các báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng. Dự án Luật Biểu tình dự kiến được trình và thảo luận lần đầu trong khi đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không diễn ra.
Một nội dung quan trọng diễn ra vào cuối kỳ họp là kiện toàn công tác nhân sự lãnh đạo Nhà nước sau Đại hội XII của Đảng - khi nhiều vị trí lãnh đạo không tái cử Ban chấp hành Trung ương cũng như nhiều lãnh đạo được phân công nhận nhiệm vụ mới.
Theo Zing