Trao đổi với PV, ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ông đang cùng đoàn kiểm tra vào các tỉnh miền Trung để tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng cá chết hàng loạt.
Những ngày qua, các tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế) xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, chưa rõ nguyên nhân. Tổng cục Thủy sản cho biết thông tin cụ thể hơn?
Tổng cục Thủy sản đã nắm được thông tin. Đầu tiên hiện tượng cá chết xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị. Hiện, người dân các địa phương ven biển đang rất hoang mang.
Sau khi nhận được báo cáo từ các địa phương, ngày 20/4, đoàn kiểm tra của Tổng cục Thủy sản đã vào các tỉnh miền Trung. Chúng tôi đã làm việc với Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đi kiểm tra khảo sát thực địa.
Sáng 21/4, Tổng cục Thủy sản tiếp tục cử thêm các đoàn kiểm tra gồm Vụ Khai thác thủy sản, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 tiếp tục vào để kiểm tra tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết. Dự kiến ngày 22/4, đoàn kiểm tra làm việc ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Cá chết dạt vào bãi biển ở Cửa Tùng, Quảng Trị. |
Chúng tôi vẫn đang làm việc với cơ quan chức năng Hà Tĩnh và bắt đầu đi thực địa, các sở ban ngành ở Hà Tĩnh đã lấy mẫu xét nghiệm. Cũng có những nhận định ban đầu được họ đưa ra như có thể yếu tố gây độc trong môi trường nước.
Về phần người dân, họ cho rằng ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy tại khu công nghiệp Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, xả thải gây độc. Đoàn kiểm tra Tổng cục Thủy sản đang nắm bắt tình hình và đang làm rõ.
Hướng kiểm tra của đoàn Tổng cục Thủy sản là gì thưa ông?
Chúng tôi nắm bắt tình tình từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh và thực tế tại nơi xảy ra cá chết hàng loạt, ghi nhận các ý kiến của người dân, sau đó về phân tích tình hình và làm báo cáo, hướng xử lý. Chúng tôi không lấy mẫu để xét nghiệm, cái đó là công việc của các ban ngành của địa phương và họ đã làm rồi.
Hiện tượng cá chết hàng loạt vì nhiễm độc nước biển đã xảy ra bao giờ chưa và mức độ nghiệm trọng hiện như thế nào?
Theo tôi được biết, từ trước đến nay, ở vùng biển nước ta, cá chưa bao giờ chết hàng loạt vì nhiễm độc nước như thế này. Tôi đánh giá, sự việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sức khỏe của người dân cũng như việc nuôi trồng, kinh doanh thủy hản sản. Vì vậy, đoàn kiểm tra phải phân tích rất cẩn thận để có hướng xử lý tốt nhất.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, hiện có 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thông tin về Bộ này về hiện tượng cá chết nhiều ở ven biển, chưa có thêm tỉnh nào báo cáo.
“Hiện tượng cá chết xảy ra ở các thời điểm khác nhau nhưng trên diện rộng là vấn đề rất nghiêm trọng, chưa từng xảy ra. Cá chết không chỉ tầng nước mặt mà cả tầng đáy. Đoàn kiểm tra của Bộ đang khảo sát ở 4 tỉnh để đánh giá mức độ và phạm vi ảnh hưởng”, ông Tùng nói cho biết thêm, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước, xác cá chết ở 4 tỉnh để phân tích.
Trước thông tin cho rằng nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt do nước thải ô nhiễm xả ra từ khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh, ông Tùng nói: “Đó mới chỉ là suy đoán, cần có những kết quả nghiên cứu, phân tích nguồn nước, mẫu vật cá chết cụ thể từng khu vực, chúng tôi mới có thể kết luận được”.
Chiều 21/4, Bộ NN&PTNT cũng có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai xử lý cá chết, phối hợp các cơ quan chuyên môn Trung ương lấy mẫu để xác định nguyên nhân, đồng thời thống kê thiệt hại, khôi phục sản xuất và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đối với việc xử lý cá chết, Bộ yêu cầu các địa phương nghiêm cấm người dân sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường; hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường.
Bộ NNP&TNT cũng đề nghị các địa phương cử cán bộ có chuyên môn liên quan phối hợp với các đoàn công tác của Bộ và các cơ quan Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất các biện pháp khắc phục và thông báo kịp thời để người dân biết.
Bên cạnh đó các địa phương cần nhanh chóng thống kê báo cáo tình hình hải sản bị thiệt hại, thu gom, xử lý, trong đó có số lượng thủy sản nuôi bị thiệt hại. Chủ động bố trí kinh phí địa phương để xử lý, áp dụng các chính sách để hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định.
Theo Zing