Israel ngư ông đắc lợi khi Nga-Mỹ vướng ở Syria?

Thứ năm, 28/04/2016, 08:32
Israel đã khôn khéo lựa chọn thời điểm cả Nga và Mỹ còn vướng ở Syria để đưa ra các tuyên bố chủ quyền tại cao nguyên Golan.

Kuwait hối thúc LHQ ngăn chặn tham vọng Israel tại Golan

Ngày 26/4, phát biểu tại phiên họp bất thường của hội đồng điều hành Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), ông Saleh al-Saqobi, đại diện thường trực Kuwait tại OIC đồng thời là Tổng lãnh sự tại Jeddah đã lên tiếng hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ngăn chặn các nỗ lực của Israel nhằm thay đổi hiện trạng pháp lý và nhân khẩu tại khu vực chiếm đóng Cao nguyên Golan.

Ông Saleh al-Saqobi đã lên án phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Tel Aviv sẽ không rút lui khỏi Cao nguyên Golan và khu vực này sẽ mãi mãi thuộc quyền kiểm soát của nước này.

Theo ông Al-Saqobi, cao nguyên Golan là vùng đất của Syria bị Israel chiếm đóng theo các nghị quyết đã đề ra của Liên hợp quốc, Liên đoàn Arab và OIC. Vì thế các bên cần phải tuân thủ Công ước Geneva thứ 4 năm 1949 nhằm bảo vệ những người dân Syria khỏi... Israel.

Vì thế đại diện Kuwait khẳng định nước này sẽ nỗ lực hết sức để phối hợp cùng với các thành viên OIC nhằm cho phép người dân Syria thực hiện quyền của họ trên vùng đất Cao nguyên Golan.

Binh sỹ Israel làm nhiệm vụ tại khu vực chiếm đóng Cao nguyên Golan.

Trước đó, ngày 17/4 trong cuộc họp nội các, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng nước này sẽ không bao giờ rút khỏi Cao nguyên Golan và khu vực rộng lớn chiến lược giáp giới với Syria này sẽ thuộc về Israel vĩnh viễn.

Nhà lãnh đạo Tel Aviv khẳng định sẽ không phản đối các nỗ lực ngoại giao nhằm ổn định Syria chừng nào chúng không gây tổn hại tới an ninh của Israel.

Bên cạnh đó, ông còn nói thêm là bất chấp điều đó, biên giới sẽ không thay đổi và cuối cùng thế giới cũng sẽ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Thực tế, Israel đã chiếm đóng 1.200km2 của cao nguyên Golan từ nước láng giềng Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, sau đó sáp nhập Cao nguyên Golan vào năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Sau khi cuộc nội chiến tại Syria bùng phát năm 2011, tình hình tại khu vực cao nguyên rộng lớn này trở nên căng thẳng với một số vụ bắn đạn rocket rơi xuống phần lãnh thổ do Israel kiểm soát ở phía Tây và dẫn tới các vụ tấn công trả đũa của Israel.

Israel ngư ông đắc lợi khi Nga – Mỹ còn vướng ở Syria?

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế lên tiếng bày tỏ lo ngại trước việc Israel gia tăng căng thẳng tại khu vực cao nguyên Golan.

Trước Kuwait, ngày 25/4, cả Nga và Mỹ đã cùng thống nhất buộc Israel trao trả cao nguyên Golan cho Syria.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama đã chỉ thị cho ngoại trưởng 2 nước đưa điều khoản trên vào trong dự thảo đề xuất dự kiến được công bố tại hội nghị Geneva, Thụy Sĩ bàn về biện pháp chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria.

Tuy vậy, cũng giống như các biện pháp ngoại giao và quân sự khác được đề xuất bởi Tổng thống Obama và Tổng thống Putin về Syria, cả Nga và Mỹ đều nhận thấy rằng một nghị quyết về vấn đề cao nguyên Golan là một quá trình lâu dài và thậm chí có thể mất nhiều năm. Tuy nhiên, đích cuối cùng mà cả hai nước quan tâm đó là Israel phải rút quân khỏi cao nguyên Golan.

Israel ngư ông đắc lợi khi cả Nga-Mỹ còn vướng tại Syria.

Trong một động thái có liên quan, ngày 26/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng phát đi những tuyên bố bày tỏ quan ngại trước việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng nước này sẽ không bao giờ từ bỏ Cao nguyên Golan, vùng đất chiếm đóng của Syria từ năm 1967.

Tuy nhiên, cũng giống như Nga-Mỹ, Hội đồng Bảo an đã không đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn như kỳ vọng của các nước Arab là kêu gọi Israel rút khỏi Cao nguyên Golan.

Giới phân tích cho rằng, Israel đã khôn khéo khi lựa chọn thời điểm này để gia tăng thêm các căng thẳng tại khu vực cao nguyên Golan khi Nga, Mỹ đang vướng bận tại Syria.

Trước những nghi ngại từ cộng đồng quốc tế, phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Israel đã giải thích rằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Tel Aviv là cần thiết “trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho nội chiến Syria, cũng như khẳng định lấy lại Golan của chính phủ Assad”.

Thực tế dù vòng đàm phán hòa bình về Damascus giữa các bên đã diễn ra trong một thời gian dài với nhiều cuộc thảo luận tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết.

Dù cả Nga cũng như Mỹ hối thúc các bên không vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn đạt được từ cuối tháng 2 năm nay nhưng thực tế nhiều cuộc giao tranh vẫn diễn ra trên chiến trường. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh kế hoạch B đưa quân vào Damascus khi quyết định điều hệ thống tên lửa sát biên giới Syria cũng như điều thêm đặc nhiệm, gia tăng sự hiện diện của mình tại Aleppo bất chấp sự phản đối của chính quyền Assad.

Đặc biệt, đàm phán hòa bình Syria đã rơi vào ngõ cụt sau khi phe đối lập vừa tuyên bố rút lui, do cáo buộc Liên Hợp Quốc thiên vị chính phủ Damascus và quân đội Syria vi phạm lệnh ngừng bắn.

“Chúng tôi đề nghị hoãn đàm phán cho đến khi có được điều kiện hợp lý để tiếp tục nói chuyện về hòa bình. Sự trì hoãn đối thoại này là cơ hội đề các bên nhìn nhận lại rằng, Tổng thống Assad không thể có vai trò trong chính quyền chuyển giao quyền lực ở Syria”, ông Mahammad al Aboud, thành viên của Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) của phe nổi dậy Syria tuyên bố.

Rõ ràng, việc chưa thể ổn định được tình hình tại Syria khiến cả Washington và Moskva không còn đủ sức để có những hành động mạnh mẽ và cứng rắn với Israel vào thời điểm này.

Theo Đất Việt 

Các tin cũ hơn