Gần 2 tháng nay, đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân) dài 3km đang được thi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập. Công trình do Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn.
Tuyến đường thường xuyên bị ngập nặng khi mưa lớn và triều cường này được thiết kế nâng độ cao. Nhiều đoạn được đơn vị thi công đổ đá lót đường cao đến cả mét.
Hiện tuyến đường này thấp hơn so với độ cao chuẩn quốc gia 2m. Một số đoạn dải phân cách cao đến hơn 1m.
Theo bản thiết kế dự án, mặt đường được nâng cao trung bình 0,7m, phần vỉa hè sát nhà dân từ 0,4 đến 1,2m.
Phần vỉa hè sát nhà dân dự kiến được nâng cao, phần đường đang được đổ đá và làn cũ có sự chênh lệch lớn. Chiếc xe buýt bị che đến nửa thân khi đang chạy trên làn đường cũ.
Hàng loạt bồn trồng cây dọc tuyến đường được xây cao cả mét, có cái ngang vai người lớn.
Những trụ điện hệ thống đèn cao áp cũng được đổ cao gần 1m.
Hố ga thoát nước nâng lên khá cao so với mặt đường cũ.
Nhiều căn nhà đã bị bịt phía trước, chỉ trừ một khoảng nhỏ để ra vào.
Một trong số nhiều căn nhà bị tường gạch chắn ngang cao cả mét, phía trước là các bồn cây. Không ít hộ kinh doanh phải đóng cửa vì buôn bán khó khăn.
Showroom ôtô rộng hàng nghìn m2 nằm sẽ lọt thỏm sau khi nền đường được nâng lên đúng thiết kế.
Cổng ra vào của một trường mầm non sẽ sâu đến 1,5m so với mặt đường.
Bà Trần Thị Hồng cho biết trước đây để tránh nước ngập đã nâng nền nhà lên hơn 30cm, nay đơn vị thi công đánh dấu cao độ và xây tường chắn phía trước đến 1,4m. "Gia đình chúng tôi rất hoang mang khi thấy đường nâng lên quá cao so với nền nhà. Nếu nâng theo độ cao mặt đường thì sẽ không sử dụng được tầng trệt vì chiều cao từ nền nhà đến trần quá thấp", chủ căn nhà số 685 cho hay.
Bà Trần Thị Thanh Quyên, chủ cửa hàng gạo, cho biết: "Từ ngày công trình thi công, đường sá đầy sỏi đá, đầy bụi bặm nên buôn bán ế ẩm".
Bà Hải Ký, chủ căn nhà số 536, lo lắng khi nhìn vạch sơn đỏ đánh dấu độ cao đường sẽ nâng trước nhà. Bà cho biết, trước đây căn nhà đã nâng nền 2 lần đến 60cm, cửa ra vào chỉ còn 1,8m. Nay nếu theo vạch đánh dấu thì phải nâng đến 80cm, cửa ra vào còn 1m. "Như vậy coi như mất luôn tầng trệt, chẳng lẽ lại ra vào nhà như chui vào hầm", người này, than.
Mặc dù công trình nâng đường đang thi công, nhưng nhiều gia đình, hộ kinh doanh cũng đã tiến hành nâng nền, sửa lại nhà.
Căn nhà 3 tầng của gia đình anh Trần Ngọc Lũ phải nâng lên 1,5m, bỏ luôn gác lửng. Chi phí ước tính hết khoảng gần 500 triệu đồng. Nhiều hộ dân khác cho biết, họ chưa có điều kiện để nâng nền, sửa chữa. Như vậy, nguy cơ tuyến đường này sẽ có hàng loạt ngôi nhà biến thành hầm trong thời gian tới.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết vừa qua quận đã gửi kiến nghị lên UBND TP, Sở GTVT và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước xem xét giảm độ cao.
Theo kiến nghị, việc nâng cao độ tuyến đường này đã ảnh hưởng trực tiếp đến 593 hộ dân và 27 cơ quan hành chính do sàn tầng trệt thấp hơn lề đường 0,7-1,2m. Việc nâng nền của nhiều hộ dân sẽ không còn sử dụng được tầng trệt, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế của quận. Ngoài ra việc này còn ảnh hưởng gián tiếp đến 44 tuyến đường, hẻm kết nối với đường Kinh Dương Vương, có thể phát sinh điểm ngập mới do độ cao nền thấp. Theo ông Nhựt, nhà nước nên có hỗ trợ một phần kinh phí, giải quyết nhanh thủ tục cho người dân sửa nhà… để giảm mức độ thiệt hại. |
Theo Zing