Sàn đấu hẹp Mỹ - Trung tại diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á

Thứ bảy, 04/06/2016, 12:05
Hai cường quốc chỉ nêu quan điểm của mình tại đối thoại an ninh Shangri-La mà chưa có cơ chế song phương sâu hơn để thảo luận cách ngăn chặn nguy cơ xung đột.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2016. Ảnh: Reuters

Ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại An ninh Shangri-La, nơi các quan chức quốc phòng, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương thảo luận các vấn đề khu vực, trong đó có các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông "đang cô lập họ, trong bối cảnh khu vực đang tìm đến nhau và phối hợp hành động", AFP dẫn lời ông Carter nói. "Thật không may, nếu những hành động này vẫn tiếp tục, Trung Quốc có thể tạo ra Vạn Lý Trường Thành tự cô lập".

Quan điểm về hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc này đã được ông Carter đưa ra hồi tuần trước, khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các học viên Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis. "Những hành động chưa từng có tiền lệ đó đi ngược lại với pháp luật quốc tế", ông Carter nhấn mạnh.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cho rằng những tuyên bố của ông Carter thể hiện "tư duy Mỹ điển hình" và cho rằng cách tư duy của ông vẫn "mắc kẹt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh".

Bình luận viên quốc tế Sharon Burke của Defense One cho rằng đại diện của Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa ra những tuyên bố kiểu "ăn miếng trả miếng" với bài phát biểu của ông Carter tại Shangri-La, nơi được coi là "sàn đấu" giữa Mỹ và Trung Quốc về những vấn đề nóng bỏng của khu vực, đặc biệt là tình hình Biển Đông.

Cuộc đấu này diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết cuối cùng về đơn kiện của Philippines đối với "đường 9 đoạn" phi pháp mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, trái với các quy định của luật pháp quốc tế. Phán quyết của tòa nhiều khả năng sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc, vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này với khoảng 85% diện tích Biển Đông.

Theo Burke, một phán quyết bất lợi của PCA rõ ràng sẽ là nỗi hổ thẹn đối với Bắc Kinh cả trong và ngoài nước. Trung Quốc dường như đã lường trước được điều nay khi mở một chiến dịch vận động hành lang rộng rãi để bác bỏ phán quyết trên, đồng thời lôi kéo sự ủng hộ của khoảng 30 nước trong khu vực, huy động các học giả và nhà ngoại giao viết các bài báo tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không chịu xuống nước, bất chấp việc uy tín của nước này trên trường quốc tế có thể bị xói mòn nghiêm trọng.

Các học giả Trung Quốc thậm chí còn ngang ngược tuyên bố nước này sẽ đáp trả phán quyết của PCA bằng cách thực hiện những hành động quyết liệt hơn để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền của Bắc Kinh" trên Biển Đông, chẳng hạn như các cuộc diễn tập quân sự, một chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến hòn đảo Trung Quốc đang chiếm đóng, hay tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc (áo trắng), phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tại Đối thoại Shangri-La 2016.

Phức tạp hơn, truyền thông Trung Quốc còn thêu dệt rằng Mỹ đang thao túng căng thẳng ở Biển Đông bằng cách "hối thúc Philippines và Việt Nam thách thức Trung Quốc nhằm mục đích kiềm chế nước này". Báo chí Trung Quốc coi chính sách "tái cân bằng châu Á" của ông Obama, cũng như những cuộc diễn tập với các nước trong khu vực là minh chứng cho ý định đó.

Sàn đấu chật hẹp

Những tuyên bố như vậy chỉ càng làm khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rộng hơn, theo Burke. Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận im lặng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc có thể đe dọa đến tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, và nguy cơ xung đột vốn đã rất cao sẽ chỉ càng gia tăng.

Tình hình có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn khi PCA ra phán quyết vào tháng 6. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain vừa tới Singapore để gây sức ép với các đồng minh ủng hộ phán quyết sắp tới của PCA, đồng thời có những hành động thiết thực hơn nữa để buộc Trung Quốc phải chấp hành quyết định này.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn với vụ kiện, khi cho rằng hành động pháp lý của Philippines là "vi phạm luật pháp quốc tế", đồng thời bác bỏ thẩm quyền xét xử của PCA.

Trong bối cảnh đó, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương rất cần những kênh liên lạc song phương, đa phương quan trọng để tháo gỡ vấn đề, ngăn chặn xung đột. Tuy nhiên, ông Burke cho rằng những diễn đàn như Đối thoại Shangri-La dường như vẫn còn quá nhỏ cho cuộc so kè giữa những người khổng lồ này.

Đối thoại Shangri-La đang diễn ra, hoặc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung sắp tới, là cơ hội để đại diện của Washington và Bắc Kinh cùng các quốc gia khác trong khu vực nêu lên những quan ngại về tình hình an ninh khu vực, bàn bạc giải pháp cho các vấn đề nóng. Tại đây, đại diện các nước sẽ có những bài phát biểu và thảo luận về những vấn đề các bên cùng quan tâm.

Tuy nhiên, Burke chỉ ra rằng Đối thoại Shangri-La không cung cấp một nền tảng cho các cuộc thảo luận sâu rộng, kéo dài hơn về những vấn đề đặc biệt quan trọng, chẳng hạn như tình hình Biển Đông, nhất là khi Mỹ đường như không muốn tham gia vào các cuộc trao đổi song phương với Trung Quốc tại hội nghị. Cho đến nay, vấn đề Biển Đông chủ yếu được nêu lên giữa các bên trong những cuộc tiếp xúc song phương không chính thức bên lề hội nghị.

Lịch sử dường như đã cho thấy điều này. Năm 2014, Đối thoại Shangri-La nóng lên với bài phát biểu của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, trong đó gọi hành động của Trung Quốc là "gây bất ổn" trên Biển Đông. Ngày hôm sau, tướng Vương Quán Trung, đại diện của Trung Quốc, đăng đàn tuyên bố những lời lẽ của ông Hagel là "đầy tính bá quyền, đầy những lời đe dọa".

Ông Tôn Kiến Quốc trò chuyện với ông Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015. Ảnh:US DoD

Đến Đối thoại Shangri-La năm 2015, Bộ trưởng Ash Carter lên án hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng những dự án này của Bắc Kinh "lớn hơn và nhanh hơn" bất cứ nước nào khác trong khu vực. Sau đó, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến trình bồi lấp đảo nhân tạo, xây dựng đường băng và các cơ sở quân sự, trạm radar cao tần trên những hòn đảo phi pháp này.

Khi không có cơ hội để trao đổi, hiểu thêm về ý định của nhau cũng như những nguy cơ xung đột lớn hơn, Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục "khẩu chiến" và đi theo con đường riêng có thể dẫn tới những đụng độ nguy hiểm trên Biển Đông, Burke nhấn mạnh.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích