26 đoàn đại biểu quân sự cấp cao các nước, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc…đến tham dự.
Phát biểu khai mạc diễn đàn năm nay là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Hội nghị năm nay xoay quanh 3 chủ đề chính: khủng bố, thương mại và lãnh thổ. Trong đó, vấn đề tranh chấp biển Đông được dự báo sẽ trở thành chủ đề nóng bỏng và được chú ý nhất.
Thủ tướng Singapore thừa nhận “hành động gây ra những phản ứng,” để nói về tình hình trên biển Đông liên quan tới Trung Quốc. “Mỹ đang phản ứng với các hành động của Trung Quốc bằng việc tăng thêm các chuyến bay và các hoạt động tàu vào gần khu vực đang tranh chấp, bắn tín hiệu là họ không chấp nhận các tuyên bố đơn phương về chủ quyền ở biển Đông” - ông nói.
Kêu gọi của ông được đưa ra giữa bối cảnh tình hình biển Đông đang ngày càng nóng xung quanh việc Trung Quốc lấn đất với quy mô chưa từng có ở trên biển – trong vòng 18 tháng qua diện tích lấn tương đương với khoảng 1.500 sân bóng ở ngoài biển.
Ông John Chipman, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La) nhận định căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục gây sóng gió tại hội nghị năm nay.
Theo ông Chipman, Bắc Kinh tìm cách thay đổi hiện trạng biển Đông và Washington lên tiếng phản đối cùng với những hành động phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc. Ông hy vọng hai bên sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán quân sự để đảm bảo không xảy ra tai nạn, sự cố trên không và trên biển.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng,dẫn đầu Việt Nam tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La tối 29-5. Ảnh: THANH TUẤN |
Đoàn đại biểu Mỹ do tân Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) dẫn đầu. Trung Quốc lần đầu tiên cử một đô đốc hải quân, đó là ông Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tới Shangri-La.
Ông Carter được dự đoán sẽ đưa ra các chính sách nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc mở rộng các khu vực lấn đất ngoài biển. Nhưng theo giới quan sát, Mỹ hiện có rất ít giải pháp để cản Trung Quốc vì bất cứ hành vi cứng rắn hơn nào cũng có thể dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp với Bắc Kinh – điều mà cả hai bên đều muốn tránh.
Trung Quốc cử một phái đoàn lớn với 28 thành viên tới Đối thoại Shangri-la lần này và giới chuyên gia chờ đợi sẽ có các cuộc đấu khẩu thậm chí quyết liệt hơn giữa hai bên so với năm ngoái. Trong mấy năm gần đây, các trao đổi tại Shangri-la đã đổi từ các vấn đề khu vực sang đối đầu ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đoàn Việt Nam - Trung Quốc gặp song phương Phái đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu. Trước lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc gặp song phương với ông Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc. Chiều cùng ngày, ông cũng có các cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino, Thứ trưởng thường trực Bộ Quốc phòng Singapore Chan Yeng Kit và Phó Chủ tịch thường trực của hãng vũ khí Lockheed Martin Patrick Dewar. Trong ngày 30-5, theo chương trình, Thứ trưởng Vịnh sẽ có cuộc gặp với tân Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris, một người được coi là sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Samuel Locklear. |