Bạn bè lớn của khoa học Việt

Thứ năm, 28/05/2015, 22:07
James Cronin, Patrick Aurenche, Jerome I. Friedman là những nhà khoa học lừng danh thế giới, trong đó 2 người từng đoạt giải Nobel Vật lý. Họ có chung tấm lòng yêu mến Việt Nam, muốn giúp khoa học Việt Nam cất cánh

Tháng 8-2006, bên hành lang “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ VI về vật lý, một số nhà báo nước ta đặt câu hỏi: Có ý kiến cho rằng ở một nước đang phát triển như Việt Nam, chỉ cần chú trọng các nghiên cứu ứng dụng chứ không nên “can dự” vào nghiên cứu cơ bản. GS nhận xét ra sao?

Những góp ý chí tình

GS James Cronin, người Mỹ, đồng chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 1980, trả lời thẳng thắn: - Đó là một ý kiến rất... sai! Tất cả mọi ứng dụng trong các ngành khoa học kỹ thuật và trong công nghệ đều bắt nguồn từ khoa học cơ bản. Hơn nữa, khoa học cơ bản còn là một bộ phận cấu thành văn hóa. Tôi thấy Việt Nam chưa tham gia nhiều vào việc nghiên cứu cơ bản. Cho nên các bạn đang thiếu mất nhiều mảng lớn về văn hóa! Con người ta ai cũng muốn hiểu biết tự nhiên và xã hội, cho nên họ mới phải học triết học, toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, thiên văn học, sử học, văn học, kinh tế học, tâm lý học, xã hội học...

GS J.Cronin trả lời báo chí bên lề chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
GS J.Cronin trả lời báo chí bên lề chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngừng một chút, ông nói tiếp: - Việt Nam là một nước dân đông gần 85 triệu người (dân số Việt Nam năm 2006 - NV), đất rộng xấp xỉ Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức... Tại sao các bạn không mơ nước mình sẽ trở thành một nước hùng mạnh về khoa học? Tất nhiên, không phải ngay trong năm 2007 là đã đạt được mục tiêu ấy. Mà phải 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm sau! Bởi thế, những người hoạch định chính sách phải có tầm nhìn vài ba thập niên hay hơn nữa là xuyên suốt thế kỷ.

Tôi nghĩ chỉ những ai có tầm nhìn xa như thế mới xứng đáng được nhà nước và xã hội giao cho trọng trách hoạch định chính sách giáo dục và khoa học. Thế mà tầm nhìn thì lại phụ thuộc vào nền tảng văn hóa của từng con người. Nếu cái nền tảng văn hóa ấy thiếu mất nhiều mảng lớn về khoa học cơ bản thì làm sao người ta có thể nhìn xa, trông rộng được?

- Vậy thì, theo giáo sư, Việt Nam có nên nghiên cứu thiên văn học hay không?

- Nước các bạn hiện có những sinh viên rất giỏi, được đào tạo bài bản, lại say mê thiên văn học. Nếu nhà nước và xã hội Việt Nam không quan tâm đến lĩnh vực khoa học này thì các bạn trẻ ấy ắt sẽ phải ra đi. Họ sẽ đến phục vụ cho những ai và những nơi nào cần đến họ.

Cùng thành công với Việt Nam

Từ một nhà vật lý nghiên cứu các hạt cơ bản trên các máy gia tốc, vào đầu những năm 1990, J. Cronin đứng ra sáng lập và lãnh đạo đề án quốc tế Pierre Auger nhằm nghiên cứu các tia vũ trụ mang năng lượng siêu cao. Đề án Pierre Auger đặt trụ sở chính tại Argentina. Thế là từ đấy, J. Cronin làm việc nhiều hơn tại Argentina. 14 nước trên thế giới - trong đó có những cường quốc khoa học như Pháp, Mỹ - tham gia đề án này.

J. Cronin muốn giúp một số nước đang phát triển tham gia đề án cùng với các nước phát triển cao. Nhưng trong số các nước đang phát triển, chỉ có Việt Nam là nước duy nhất thành công.

Một nhóm các nhà vật lý trẻ thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tại Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của nhà bác học người Pháp Pierre Darriulat và TS Võ Văn Thuận, đã có thể tiến hành các khảo sát tia vũ trụ năng lượng siêu cao tại Việt Nam, theo sự phân công của đề án. Những kết quả đạt được có thể giúp các bạn trẻ ấy bảo vệ luận án tiến sĩ. Đó là những nghiên cứu sinh mà J. Cronin đánh giá “học rất giỏi, được đào tạo có bài bản, lại say mê thiên văn học”.

Tuy nhiên, để họ tiến xa hơn thì nhà nước và xã hội phải ra tay trợ giúp về nhiều mặt, chẳng hạn giúp chi phí đi lại, trả tiền cho các thí nghiệm... Sự trợ giúp đó sẽ không thể nào có được nếu vẫn còn ai đó giữ trọng trách quản lý chưa từ bỏ định kiến cũ kỹ cho rằng Việt Nam không nên “can dự” vào khoa học cơ bản. Không chỉ thiên văn học mà các ngành khoa học cơ bản khác cũng đều không thể xem thường.

Trong những ngày ở Việt Nam, GS J. Cronin đã nói chuyện với các bạn trẻ về một đề tài rất khó nhưng rất hấp dẫn: Vật chất và phản vật chất trong vũ trụ.

Chúng ta đều biết vật chất (matter) được “xây” nên từ các “viên gạch” gọi là nguyên tử. Còn nguyên tử thì lại được cấu thành từ các cấu phần gọi là hạt cơ bản như proton, neutron, electron... Vậy thì, trong tự nhiên, có tồn tại những cấu phần mà hầu hết các tính chất (như khối lượng, spin...) đều giống proton, neutron, electron... nhưng lại chứa điện tích trái dấu không?

Năm 1932, các nhà bác học khám phá ra một loại hạt đến từ vũ trụ, có khối lượng bằng electron nhưng mang điện tích trái dấu: electron chứa điện âm thì nó chứa điện dương. Đó là phản-hạt của electron, được đặt tên là positron.

Và rồi, tương tự như thế, người ta lần lượt khám phá ra các phản-hạt của proton, của neutron, tức là các phản-proton, phản-neutron. Vậy thì, cái vật thể được cấu thành từ các phản-hạt như phản-proton, phản-neutron, phản-electron là gì vậy? Thuật ngữ vật lý gọi nó là phản-vật chất (anti-matter).

Và như vậy, về mặt lý thuyết, có thể từ phản-vật chất cấu thành các phản-hành tinh, trên đó, có khả năng xuất hiện những... phản-người!

Nếu người và phản-người cứ sống biệt lập với nhau, trong 2 hệ song hành thì cũng chẳng sao. Nhưng nếu hai bên gặp nhau thì liền xảy ra thảm họa khủng khiếp: vật chất trong cơ thể người lập tức hủy phản-vật chất trong cơ thể phản-người (do chứa điện tích trái dấu). Và khi ấy, cái duy nhất còn lại chỉ là... bức xạ ánh sáng!

Rất may, tự nhiên có phần “thiên vị” vật chất và “hững hờ” với phản vật chất! Nhờ thế, chúng ta mới được sống trong một vũ trụ chỉ tạo thành từ... vật chất. Điều đó có nghĩa tự nhiên đã vi phạm đối xứng.

Cùng với V. Fitch, J. Cronin công bố phát minh nổi bật vào năm 1964, khi ông mới 33 tuổi. Dù vậy, còn phải chờ đến năm 1980, ông mới cùng V. Fitch nhận được giải Nobel.

Trước khi rời Hà Nội, nhà bác học J. Cronin còn bày tỏ niềm trăn trở riêng tư:

“Rất không may là giữa 2 nước chúng ta đã từng xảy ra chiến tranh! Ngay từ đầu, tôi đã kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh ấy. Sau khi chiến tranh kết thúc, tôi muốn làm được một việc gì đó để sửa chữa lỗi lầm của đất nước chúng tôi. Nay tôi đã 75 tuổi. Tôi sẽ nhẹ nhõm trong lòng trước lúc nhắm mắt xuôi tay nếu như trông thấy nền khoa học Việt Nam cất cánh”.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích