Tại sao nông dân ngoại thành Hà Nội vẫn cứ đốt rơm rạ?

Thứ năm, 28/05/2015, 09:10
Dù dùng chế phẩm sinh học để ủ có thể tiết kiệm 300 – 400 nghìn đồng phân bón, thế nhưng bà con vẫn đốt rơm rạ, làm ảnh hưởng tới trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp mãn tính và lãng phí tài nguyên.

Xung quanh chuyện bà con nông dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ gây khói bụi vào những ngày mùa, Khampha.vn đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Sinh học Lê Văn Tri (TGĐ Công ty CP Công nghệ sinh học). TS. Lê Văn Tri chính là người đã nghiên cứu ra chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ để tạo phân bón cho đất. Sáng chế của ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng khoa học công nghệ trong nước cũng như quốc tế.

TS. Lê Văn Tri nhắc đến đề tài khoa học mà một nữ sinh viên Việt Nam học tại Nhật Bản đang theo đuổi: "Tại sao người Việt Nam lại đốt rơm rạ?". Theo đó, nhà khoa học này lý giải vì sao có nhiều phương pháp xử lý rơm rạ rất có lợi mà đến nay, người nông dân Việt Nam vẫn đốt rơm rạ.

TS. Tri cho biết, ngày xưa rơm rạ được dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc chất đốt. Những năm gần đây, rơm rạ không còn được sử dụng theo mục đích này. Trong khi đó, không thể vùi rơm rạ trực tiếp vào đất vì điều này có thể cản trở sự phát triển của cây trồng. Vì vậy, bà con nông dân đốt rơm rạ luôn ngoài đồng.

Vị tiến sĩ cho biết, theo các nghiên cứu khoa học, việc đốt rơm rạ gây nhiều hậu quả nặng nề, ảnh hưởng sức khỏe trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp mãn tính. Đốt rơm rạ khiến lượng lớn chất hữu cơ không được tái tạo cho đất. Trong khói rơm rạ có bụi, bồ hóng, muội than, khí CO2, CO, NO2,... gây cay mắt, ho, ngạt thở. Đặc biệt, khí CO được sinh ra rất nhiều, là loại khí rất độc, có thể gây chết người. Khói rơm rạ còn gây mất an toàn giao thông.

Cũng theo một số nghiên cứu, tại đồng bằng sông Hồng, đốt rơm rạ ngoài đồng tạo ra 1,2 - 4,7 triệu tấn CO2/năm, 28 - 113 ngàn tấn CO/năm,... Lượng khí nhà kính phát thải vào môi trường do đốt rơm rạ ở đồng bằng sông Hồng có thể gây thiệt hại tương đương 19 triệu - 200 triệu USD/năm.

Theo nhà khoa học này, việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng không đem lại lợi ích nào ngoại trừ tạo một ít hàm lượng kali cho đất nhưng lại làm mất chất Cacbon. Trong khi đó, nếu sử dụng chế phẩm sinh học để ủ, cứ một tấn rơm, người nông dân có thể tạo ra 10kg đạm, gần 10kg lân và 21kg kali. Theo đó, mỗi tấn rơm sẽ giúp tiết kiệm 300-400 nghìn đồng mua phân bón. Với 1ha ruộng, có thể thu được hơn 10 tấn rơm rạ và tạo ra rất nhiều phân bón.

TS. Lê Văn Tri khẳng định, rất nhiều nông dân đã áp dụng phương pháp dùng chế phẩm sinh học chứ không đốt rơm rạ nữa và thực tế mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường. Nhưng nhà khoa học này thừa nhận, đến nay, tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra phổ biến. Tiến sĩ Tri đã lý giải điều này theo góc độ nhận thức xã hội.

Theo đề tài của nữ sinh viên mà TS. Tri nhắc đến, người Nhật đánh giá rằng, đốt rơm rạ là lãng phí tài nguyên. Tài nguyên này không chỉ của chính người nông dân mà còn là của xã hội. Đất là tài nguyên quốc gia mà người dân có trách nhiệm bảo vệ. Người nông dân Nhật Bản luôn nhận thức rằng, sau khi thu hoạch lúa, họ phải trả lại những chất còn lại cho đất.

TS. Tri cho rằng, trong nhận thức của người Việt, người ta vẫn ít nghĩ về hậu quả mai sau. Người nông dân Việt Nam vẫn chưa nhận thức được rằng, nếu không bồi bổ cho đất, 20 hoặc 50 năm sau, màu mỡ của đất không còn nữa. Theo đó, chất lượng hạt gạo ngày càng giảm.

Thay vì ủ rơm rạ để tái tạo chất cho đất, người nông dân Việt Nam lại đem đốt đi

"Chúng ta cứ nói Việt Nam xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi gạo Việt Nam xuất khẩu đi đâu? Chất lượng gạo chúng ta chưa cao. Ngay ở các khách sạn 5 sao ở Việt Nam có dùng gạo trong nước hay không?" - Ông Tri nói.

Cũng theo TS. Tri, trong ý thức của người Việt Nam, trồng lúa là nghề khổ cực, nghèo đói. Bản thân người nông dân luôn quan niệm rằng mình không thể giàu lên từ cây lúa. Bởi vậy mà họ luôn có tư tưởng ăn xổi, ở thì. Từ đó, người nông dân không có ý thức đầu tư chuyên sâu cho đất.

Trong khi đó, ở góc độ các nhà quản lý và nhà khoa học, tiến sĩ Tri đánh giá, chế phẩm sinh học ra đời có thể giải quyết giúp người nông dân điều này. Nhưng ông không phủ nhận, việc ủ rơm bằng chế phẩm sinh học đòi hỏi công sức thời gian nhiều hơn so với việc châm mồi lửa. Trong khi đó, người nông dân lại muốn giải quyết nhanh gọn, còn chuyện đất bạc màu tính sau.

Theo TS. Tri, suy cho cùng, việc nâng cao nhận thức cho người nông dân của các cơ quan quản lý vẫn còn hạn chế. Người nông dân vẫn ít được phổ biến kiến thức để nhận biết thiệt hơn trong việc đốt rơm rạ so với xử lý vi sinh.

TS Lê Văn Tri cho biết, ông đang nghiên cứu để xử lý rơm rạ ngay tại mặt ruộng để giảm thời gian, công sức, với hy vọng người nông dân sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích