Vào trường chuyên, lớp chọn: Thất vọng đến từ kỳ vọng mơ hồ

Thứ sáu, 29/05/2015, 10:33
Trầm cảm, đánh mất chính mình là những gì học sinh được vào trường chuyên, lớp chọn phải gánh chịu dù cuộc đua đó vốn là của bố mẹ.

Tỷ lệ trầm cảm vì áp lực học hành ở học sinh đang tăng cao bởi việc kiếm được một chỗ trong trường chuyên lớp chọn đã khó, việc cạnh tranh về thứ hạng trong ngôi trường bố mẹ “đeo đuổi” thay các em còn khó hơn.

Không “chuyên” thì cũng phải “chọn”  

Nhiều phụ huynh chia sẻ sự hụt hẫng, thất vọng khi Bộ GDĐT đưa ra chủ trương không thi vào lớp 6, kể cả các trường chuyên. Để giấc mơ bước chân vào trường chuyên thành hiện thực, không ít ông bố, bà mẹ đã đầu tư ôn luyện cho con từ những năm lớp 2, lớp 3, không tiếc tiền của, thời gian, săn lùng thầy giỏi để bồi bổ kiến thức. Nay, không thi, sao lại không tiếc, không thất vọng và không ít lời chê trách với lãnh đạo bộ chủ quản.

Lý do được Bộ GDĐT đưa ra xuất phát từ thực tế là, nhiều năm nay tình trạng học thêm để thi tuyển vào các trường chuyên, lớp chọn có tiếng diễn ra phổ biến, số lượng đăng ký quá đông, các trường chuyên tổ chức thi tuyển, tỷ lệ chọi cao gấp nhiều lần so với các trường đại học thuộc top trên. Việc tổ chức không thi mà chỉ xét tuyển tạo sự công bằng về quyền lợi cũng như hình thức học tập cho các thí sinh và ngay cả đối với các trường khác.

Tuy phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của bộ, nhưng hai trường chuyên danh giá là trường chuyên Hà Nội-Amsterdam (Hà Nội) và trường Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã nghĩ ra cách riêng để tuyển, núp dưới danh từ nhẹ nhàng là khảo sát. Trường Ams thì đo chỉ số IQ, đo năng lực học sinh theo dạng thông minh bằng cách test, trường Trần Đại Nghĩa thì khảo sát năng lực thông minh qua tiếng Anh…có nghĩa là, những ngôi trường này chỉ quy tụ những học sinh đỉnh cao.

Thế là phụ huynh lại ào ào, đổ xô cho con đi thử IQ, học cấp tốc tiếng Anh để vượt rào đợt khảo sát đầu cấp. Các lò luyện test, IQ hình thành. Phụ huynh thì ép con, chỉ có đứa trẻ là nạn nhân của cuộc đua để thành…người tài.

Các em học sinh đang phải chịu quá nhiều áp lực do chính cuộc đua từ bố mẹ đưa ra

Không vào được trường chuyên thì cũng quyết phải thi để vào lớp chọn. Ngay trong một ngôi trường đã hình thành hai đẳng cấp giữa “dân” lớp chọn và “dân” lớp thường- ở các trường công lập, còn các trường dân lập thì lại xuất hiện mô hình, “dân” con nhà giàu thì vào lớp chất lượng cao, “dân” con nhà nghèo thì học lớp bình thường. Ngay cả đồng phục, cơ sở vật chất trong một ngôi trường cũng khác biệt nhau bởi sự quyết định của tiền học phí. Học sinh ở lớp chọn dường như tách biệt với học sinh các lớp trong một ngôi trường.

Cần phải nói rõ, hệ chuyên bậc THCS đã không tồn tại từ năm 1996, ngay sau khi Nghị quyết 02 ngày 24.12.1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII yêu cầu không tổ chức trường chuyên ở bậc tiểu học và THCS, vì học sinh THCS cần được giáo dục toàn diện để đảm bảo kỹ năng, kiến thức cơ bản.

Tuy nhiên, thực tế thì các trường đã lách chữ “chuyên” biến thành chữ “chọn” vì đáp ứng yêu cầu của phụ huynh. Trường chuyên Ams thì có thêm chuyên bậc THCS, các trường công lập ngay từ bậc tiểu học đã hình thành lớp chọn đó cũng là niềm an ủi của nhiều phụ huynh khi thấy con mình vẫn thuộc diện giỏi.

Trường nào cũng muốn có danh, tỉnh nào cũng muốn có tiếng. Vì vậy, để dẹp trường chuyên bậc THCS và mô hình lớp chọn hẳn không dễ, khi căn bệnh thành tích đã ăn sâu trong suy nghĩ không chỉ ở gia đình mà cả chính quyền địa phương, ngành giáo dục- trở thành căn bệnh đã vô phương cứu chữa.

Quên mất con người thật

Hệ lụy của trường chuyên, lớp chọn thì chỉ có học sinh là gánh hậu quả. Bậc phụ huynh khi nhận ra thì đã quá muộn.

Cuộc đua gắt gao để có chân vào trường chuyên, lớp chọn khiến cho học sinh phải ở trong môi trường luôn phải đua với sức cạnh tranh quyết liệt, chẳng lẽ học trường chuyên, lớp chọn mà lại thua bạn, thua bè.

Một học sinh trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) tự vẫn vì làm bài thi không tốt, lo không đỗ đại học. Học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) một thì giã từ cuộc sống vì không đỗ đại học, một thì không thiết sống vì bị bạn bè nghi lấy đồ. Hai nữ sinh trường chuyên Thăng Long (Đà Lạt) cùng thắt cổ tự tử.

Một nữ sinh giỏi môn sử nhưng lại hai lần thi đều trượt, xấu hổ bạn bè đã nhảy cầu Bến Thủy (Nghệ An)…và hôm qua gia đình, bạn bè đau đớn tiễn biệt nam sinh chuyên toán lớp 11 của trường chuyên Ams. Nguyên nhân được cho là em đã bị trầm cảm, không thể hòa nhập được môi trường mới, dù em đã học chuyên Nguyễn Huệ- một trường danh giá bên tám lạng, kẻ nửa cân với trường Ams của đất thủ đô.

Chia sẻ trên một số tờ báo, các cựu học sinh trường Ams thừa nhận đó là môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Bạn Q.D, chuyên Lý khóa 2010-2013 nói rằng: Ams là nơi hội tụ của những con người có tham vọng, tất yếu đi kèm sự cạnh tranh, từ hoạt động ngoại khóa cho đến việc học tập mà nhiều lúc đánh mất con người thật của mình hay quên đi mình bé nhỏ với thế giới bên ngoài đến nhường nào. Bản thân mình cũng đã nhiều lúc vô tình rơi vào vòng xoáy cạnh tranh này hay chính là nạn nhân của nó.

Vậy trường Ams liệu có là một môi trường tốt hay không phụ thuộc vào tính cách của mỗi học sinh cũng như sự chuẩn bị và hỗ trợ tinh thần từ phụ huynh bởi thất vọng luôn luôn đến từ sự kỳ vọng mơ hồ.

Trong môi trường khốc liệt ấy, ai vượt qua được thì họ rất tự tin đi tiếp chặng đường còn khá nhiều chông gai, họ cảm ơn đã được tôi luyện, trải qua bao cảm giác khủng khiếp khi đối mặt với những khó khăn đầu đời. Nhưng đâu phải học sinh nào cũng đủ “thần kinh thép” để vượt qua môi trường khắc nghiệt ấy, khi ở tuổi mới chập chững vào đời.

Không ít phụ huynh đã tỉnh táo khi không nuôi ước vọng trường chuyên, lớp chọn, để con học cho con, chứ không học vì bố mẹ.

Tỷ lệ học sinh bị rối loạn tâm thần gia tăng theo từng năm. Theo số liệu thống kê của bệnh viện Tâm thần TP.HCM thì con số học sinh mắc bệnh do học hành gia tăng từng năm: Năm 2011 có 25.000 lượt trẻ ở độ tuổi học sinh đến khám, mắc chứng bệnh chủ yếu như lo sợ, căng thẳng, ngộ chữ, năm 2012 đã lên đến con số là 28.000 lượt và năm 2013 tăng lên 32.000 lượt, trong đó có số đông là học sinh của trường chuyên, lớp chọn.

Tại Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) ghi nhận có cả học sinh bậc tiểu học đến đại học vào điều trị. Một bác sĩ ở viện này đã chia sẻ, việc điều trị cho bố, mẹ còn khó hơn cho con - bệnh nhân thực sự.

Xin đừng để mọi chuyện đã rồi, để sống trong ân hận với hai từ “giá như”. Giá như hiểu con, chia sẻ với con, đừng quá ước vọng thì đâu đến nỗi.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn