Phái đoàn TQ bị 'dội nước lạnh' tại Shangri-La thế nào?

Thứ hai, 02/06/2014, 15:32
Phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La 2014 liên tục nhận "gáo nước lạnh" từ cộng đồng quốc tế bởi tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Thế giới đồng loạt “bóc mẽ” Trung Quốc

Trước khi Đối thoại Shangri-La 2014 diễn ra, dư luận đặt nhiều kỳ vọng vào bài phát biểu mở màn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với tư cách là diễn giả chính của hội nghị. Và người lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc hẳn đã không khiến giới phân tích thất vọng khi ông thẳng thắn chỉ trích hành vi mang tính khiêu khích, thô bạo của Bắc Kinh tại Biển Đông thời gian qua.

“Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa trong những tranh chấp chủ quyền là hành động không thể biện hộ. Không thể dựa vào bạo lực vào áp bức mà phải dùng những biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột”, ông Abe nêu rõ trong bài phát biểu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters.

Ông Abe đã không chỉ đưa ra những lời trích suông mà ngay lập tức cam kết “hỗ trợ tối đa” để các nước ASEAN bảo vệ chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Sau cái “vuốt má” của ông Abe là cú "tát" trực tiếp của Mỹ đối với Trung Quốc. Tại diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sử dụng ngôn từ mạnh mẽ và trực diện nhắm thẳng Trung Quốc.

“Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành động đơn phương gây bất ổn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông. Mỹ sẽ không thờ ơ khi những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo trật tự quốc tế đang bị đe dọa”,  AFP dẫn lời ông Hagel nói tại Đối thoại Shangri-La hôm 31/5.

Trong khi đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Samuel Locklear, cảnh báo Trung Quốc đang “lầm đường lạc lối”. “Con đường mà Trung Quốc đang lựa chọn để giải quyết các tranh chấp lãnh hải là không hiệu quả và hoàn toàn chệch hướng”, đô đốc Locklear nhấn mạnh trước báo giới bên lề Đối thoại Shangri-La.

Một quốc gia có vai trò quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương là Australia cũng chĩa mũi dùi về phía Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Australia, David Johnston, cho biết: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của ASEAN về những diễn biến làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Sử dụng vũ lực hoặc đe dọa để đơn phương thay đổi cục diện ở biển Hoa Đông và Biển Đông là không thể chấp nhận”. Theo ông David, hành động gây căng thẳng khu vực của Trung Quốc chắc chắn không giúp ích và đang gây mất ổn định.

Về phía Việt Nam, phát biểu tại phiên họp mang chủ đề “Quản lý các căng thẳng chiến lược”, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đề cập vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam, khiến nhân dân Việt Nam bức xúc, các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế lo ngại.

“Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Thanh khẳng định.

Trung Quốc đuối lý

Phó tổng tham mưu quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung phát biểu tại Đối thoại Shangri-la. Ảnh: Reuters.
Phó tổng tham mưu quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters.

Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, cựu thứ trưởng Ngoại giao, đại diện phía Trung Quốc bà Phó Oánh - người được ví von là “sử dụng lời lẽ để đẩy văng bất cứ ai ra khỏi trái đất” đã tỏ ra bất lực và không thể biện minh cho hành động sai trái của Bắc Kinh. Rút cuộc, bà đành quay sang chỉ trích Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhiều quan chức quân sự Trung Quốc cũng phản ứng gay gắt trước những phát ngôn của giới chức Mỹ tại Đối thoại Shangri-La. Đặc biệt, Thiếu tướng Chu Thành Hổ, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã nổi nóng tuyên bố: “Nếu Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù thì Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ”.

Các chuyên gia nhận định, mọi dấu hiệu đều cho thấy Bắc Kinh sẽ không đưa giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu chiến ra khỏi vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. “Những lời chỉ trích dường như vô tác dụng đối với Trung Quốc. Có vẻ như Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận mất uy tín trên trường quốc tế”, báo  Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore).

Quanh co “đường chín đoạn”

Tại phiên thảo luận chung thứ 4 diễn ra sáng 1/6, nhiều học giả đã chất vấn Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc về ý nghĩa của “đường chín đoạn” mà nước này vẽ ra trên Biển Đông. Họ không chấp nhận về tính pháp lý của đường này khi nó đi ngược lại với tinh thần công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 mà chính Trung Quốc đã thông qua. “Đường chín đoạn” hay “Đường lưỡi bò” đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải của rất nhiều nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam.

Ông Vương cho biết, bản đồ phản ánh 2.000 năm lịch sử Trung Quốc, và do đó nó có trước Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Do đó, theo ông Vương, khu vực này không phù hợp để áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong khi công ước này ra đời để áp dụng chung cho việc giải quyết mọi tranh chấp mà không hề nêu ra ngoại lệ.

Những lập luận này của ông Vương đã vấp phải sự phản đối của các học giả và giới truyền thông thế giới. Ông Fredy Gsteiger - Phó tổng biên tập Đài phát thanh SRF, Thụy Sỹ - cho rằng, đó là sự giải thích đáng lo ngại: "Người ta đã thiết lập Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là để tìm ra giải pháp cho những xung đột kiểu như thế này. Giờ thì Trung Quốc nói rằng họ không muốn chấp nhận giải quyết thông qua tòa án. Câu hỏi đặt ra là công ước này ra đời để làm gì? Đó là điều khó hiểu".

Còn Giáo sư Carl Thayer - Đại học  New South Wales, Australia - nói rằng, Trung Quốc đơn phương giải thích luật quốc tế theo cách của họ: "Trung Quốc luôn nói là có luật lệ quốc tế khác. Tôi vẫn luôn hỏi Trung Quốc là luật khác đó là gì. Sau đó, họ vận dụng đến lịch sử, nhưng đó lại là lịch sử được nhào nặn".

Christian Le Mière, thành viên cao cấp của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược Mỹ chuyên về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải, cho rằng lời biện minh của ông Vương đã sai hoàn toàn. "Bạn không thể tuyên bố chủ quyền rộng lớn của biển, chỉ vì bạn tin rằng bạn có quyền trong lịch sử với nó. Cách nghĩ của ông Vương là một mớ bòng bong và làm đảo lộn hệ thống quốc tế. Nó sẽ là một ý tưởng khủng khiếp", Le Miere nói và bình luận rằng, ông Vương nói “ngây ngô như trẻ con” và so sánh theo kiểu ngụy biện.

Theo Zing

Các tin cũ hơn