Giàn khoan 982 và nơi sản xuất tham vọng biển Trung Quốc

Chủ nhật, 01/06/2014, 08:35
TQ sở hữu giàn khoan nửa chìm Hải Dương-981 và sử dụng nó như một công cụ tranh chấp chủ quyền. Họ đang dần hoàn thiện chiếc giàn khoan thứ hai.

Sau bài viết cụ thể về giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981), nhà nghiên cứu biển, kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Khoa học kỹ thuật biển TP HCM, thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME) có bài viết giới thiệu về giàn khoan thứ hai tương tự như giàn 981 mà Trung Quốc đang đóng.

Không chỉ giới thiệu về Haiyang Shiyou-982, bài viết này giới thiệu kỹ về tổ chức đóng tàu dân sự, quân sự và các công trình nổi tại Trung Quốc, tập đoàn CSIC đóng Hải Dương-982 và tập đoàn CSSC đóng Hải dương-981.

CSIC là gì?

Trước hết phải nói luôn, công nghiệp đóng tàu TQ dù đóng tàu dân dụng hay vũ trang, đều thuộc nhóm công nghiệp quốc phòng và cả CSSC và CSIC đều nằm trong số 10 đơn vị công nghiệp quốc phòng hàng đầu đó.

CSSC viết tắt bởi các chữ China State Shipbuilding Corporation tức Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc còn CSIC viết tắt bởi China Shipbuilding Industry Corrporation tức Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc. Cả hai đều đóng tàu, tên gọi và logo hơi giống nhau, chủ yếu để phân công theo vùng miền trên đất nước rộng lớn này: CSSC phụ trách mảng phia Nam và phía Đông  còn CSIC phụ trách mảng phía Bắc và Tây Trung Quốc.

Cả hai đều có niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Những người làm nghề biển nước ta thường tiếp xúc nhiều với CSSC, nhất là với đơn vị thương mại của nó có tên tắt là CSTC, với chữ T là trading buôn bán, với đại diện tại Việt Nam là Bình Bằng Tường. Có một thời, thủ trưởng của CSTC là ông Lý Kiên, con trai ông chủ tịch TQ Lý Tiên Niệm.

Tàu ngầm lớp 041A sử dụng công nghệ không khí tuần hoàn AIP do CSIC đóng
Tàu ngầm lớp 041A sử dụng công nghệ không khí tuần hoàn AIP do CSIC đóng

Một số nhà máy nổi tiếng của CSSC như đóng tàu Giang Nam (làm chiếc tàu ngầm đầu tiên), Hồ Đông (cố vấn xây nhà máy đóng tàu Bạch Đằng những năm 60), Quảng Châu (hay ta thường gọi là Bạch Hạc Đồng, đóng tàu Giải Phóng và các tàu “không số” trên Đường Mòn Hồ Chí Minh trên biển), Hoàng Phố (đóng tàu lớp Kronschtadt đánh Hải quân VNCH trong trận Hoàng Sa 1974)…

Trong những năm gần đây, CSSC tập trung xây dựng xưởng mới tại đảo Sùng Chính, ngoại ô Thượng Hải, đó là nhà máy Ngoại Cao Kiều, nơi đã đóng chiếc giàn 981

Từ 01/1999, một số nhà máy được tách từ CSSC ra để thành lập CSIC.

CSIC bao gồm 96 đơn vị, 30 vạn công nhân viên, chủ quản những nhà máy lớn tại Đại Liên, Thiên Tân, Thanh Đảo, Vũ Hán, Tây An, Trùng Khánh và Côn Minh, 30 viện nghiên cứu, 10 phòng thí nghiệm nhằm phát triển tàu dân dụng và tàu quân sự.

CSIC trở thành một doanh nghiệp quốc doanh cực lớn đặt dưới sự chỉ đạo của một Ủy ban Nhà nước và Bí thư kiêm Chủ tịch của CSIC là ông Lý Trường Ấn, người  Tây An, sinh năm 1951, tốt nghiệp Đại học Tây An về Công nghệ điện tử năm 1976, Ủy viên Trung ương Đảng CS TQ.

Bí thư và Chủ tịch của CSSC hiện nay là Hồ Văn Minh (trước đây họ Trần, đã gặp chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình) cũng có vị trí quan trọng trong chính giới TQ. Sinh năm 1957 tại Dương Châu, Giang Tô, tốt nghiệp tin học tại Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh, nhiều năm làm lãnh đạo các cấp của ngành hàng không vũ trụ trước khi chuyển sang lãnh đạo công nghiệp đóng tàu CSSC, Ủy viên Trung ương Đảng CSTQ.

Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 do CSSC đóng, đang hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Giàn khoan Haiyang Shiyou-981 do CSSC đóng, đang hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Người Việt Nam từ lâu đã biết tới các nhà máy của CSIC tại Đại Liên.Từ những năm 50, nhiều sinh viên Việt Nam được gửi đi học đóng tàu và hàng hải tại Đại Liên, Cáp Nhĩ Tân…

Giàn 982– thêm mối lo cho Biển Đông

Trong buổi họp tại Bắc Kinh năm ngoái, giữa chủ tịch Lý của đóng tàu CSIC và chủ tịch Vương của dầu khí CNOOC, ông Lý nêu rõ quyết tâm sẽ huy động toàn lực để đóng chiếc 982 mà trung tâm là nhà máy đóng tàu Đại Liên.

Đại Liên là một xưởng đóng tàu đã có lịch sử trên 100 năm, nơi được Liên Xô đầu tư giúp đỡ những năm 50, nơi đầu tiên áp dụng phương pháp công nghệ đóng tổng đoạn học tập từ Hitachi Nhật Bản, nơi đã hoàn thiện chiếc tàu sân bay Liêu Ninh vào năm 2009 và nay nó đang diễu võ trên biển.

Nhiều vấn đề công nghệ sẽ được nghiên cứu thực hiện bởi lực lượng đông đảo, trong đó có Học viện Cáp Nhĩ Tân, một trong những trung tâm hàng đầu về khoa học biển cho quân sự và dân dụng của nước này.

Chính vì lẽ đó mà giàn 982 được đưa về đây sau khi 981 đóng tại Thượng Hải. Mặc dù đều từ thiết kế cơ bản của Friede &Goldman Mỹ nhưng trong quá trình chế tạo phải qua nhiều bước thiết kế kỹ thuật và thi công mà nước này muốn nhân rộng, muốn “nhái” thật nhanh công nghệ tiên tiến này.

Một số tàu viễn dương được đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên
Một số tàu viễn dương được đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên - nơi tân trang đống sắt vụn thành tàu sân bay Liêu Ninh

Đấy là lý do vì sao sau khi Hải Dương-981 được đóng bởi CSSC nhưng Hải Dương-982 lại được đóng tại CSIC. Các tập đoàn này của Trung Quốc được trải nghiệm và chôm chỉa công nghệ Mỹ một cách công bằng và nhanh chóng.

Việc đóng các giàn này được liệt kê là một trong “10 chương trình trọng điểm” của TQ và người đứng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tới tận nơi để kiểm tra động viên. Cũng như 981, khu vực hoạt động của 982 được vạch rõ ngay trong thuyết minh thiết kế, đó là biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) với thử thách chịu lực là bão tố theo 200 năm lịch sử.

Từ cái thiết kế này có thể thấy rằng 982 là dành cho Biển Đông, không hề úp mở. Chỉ với một 981, Trung Quốc đã thách thức chủ quyền của Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác, thách thức an ninh khu vực và ổn định hàng hải quốc tế. Thêm một 982, dã tâm của Trung Quốc không còn phải che giấu.

Điều quan trọng, đừng để ta phải bị động trước mọi hành động từ đối phương.

Haiyang Shiyou-981 và 982 là giàn nửa chìm thế hệ mới, thế hệ thứ 6 với một số đặc điểm như sau:

Khả năng chống mệt mỏi (fatigue) - một căn bệnh suy sụp của nhiều giàn khoan, trước tác động của thiên nhiên. Giàn này được thiết kế chịu được những cơn bão khủng khiếp nhất thống kê trong 200 năm lịch sử tại vùng Biển Đông.

Khả năng định vị trên biển. Nếu giàn Đại Hùng 01 của ta giữ vị trí trên biển bằng hệ thống 8 neo thì 981 tại các vùng nước sâu dưới 1000 mét vẫn định vị bằng 12 neo cấp R5 nhưng giàn chủ yếu định vị bằng hệ định động học cấp 3 là cấp cao nhất của hệ thống này với 8 chân vịt lái (thruster), mỗi chân vịt được kéo bởi động cơ 4600 CV.

Khả năng chống tràn dầu. Kinh nghiệm đau đớn của các vụ tràn dầu khiến cho FG tìm mọi biện pháp để ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu tiên. Một hệ thống cảm biến được thiết lập quanh giàn và hành động nhanh chóng để đóng ngay cái BOP (thiết bị chống tràn -Blow Out Preventer)

Bởi vậy, giàn nửa chìm là công cụ không thể thiếu được trong việc chinh phục độ sâu khi khai thác dầu khí.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn