Thủ tướng Abe muốn nước Nhật có tiếng nói lớn hơn tại khu vực.
Nhật đang thể hiện vai trò tại châu Á
Trong lúc này, Nhật – một đối thủ truyền thống của Trung Quốc, đang thể hiện những hành vi dứt khoát nhất với Trung Quốc. Không chỉ lên án mạnh mẽ mà nước Nhật còn có những động thái thiết thực nhất để ngăn chặn âm mưu bành trướng của Bắc Kinh.
Điều này được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực Thủ tướng Shinzo Abe để làm sâu đậm thêm mối quan hệ với Đông Nam Á khi khu vực này đang phải đối mặt với tham vọng mở rộng lãnh hải phi lý của Trung Quốc. Ông có thể sẽ nhấn mạnh cam kết của Nhật Bản để ổn định khu vực trong một bài phát biểu trước các Bộ trưởng Quốc phòng khu vực châu Á -Thái Bình Dương tại Singapore vào tối nay 30/5.
Ông Abe cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc trước Quốc hội Nhật. |
"Hành vi gần đây của Trung Quốc đã cho phép ông Abe thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa với các nước láng giềng có quan điểm chung" Corey Wallace, một chuyên gia về Nhật Bản và an ninh hàng hải tại Đại học Auckland ở New Zealand cho biết.
Nhật Bản cũng đang đóng một vai trò lớn hơn trong một cuộc diễn tập cứu trợ thiên tai do Mỹ dẫn đầu ở Đông Nam Á. Một con tàu quân sự Nhật Bản, Kunisaki đã rời căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản vào giữa tuần với 10 lính Úc và 130 lính Mỹ trên tàu, hướng tới Biển Đông tham gia diễn tập cứu hộ.
Hiến pháp của Nhật Bản hạn chế các hoạt động quân sự ngoài tự vệ riêng của mình, nhưng việc cung cấp các tàu tuần tra bảo vệ bờ biển cho các nước khác không bị coi là viện trợ quân sự hay việc tàu quân sự tham gia cứu hộ cũng không vi hiến.
Đó là nỗ lực tối đa của Nhật trong việc “lách luật” để viện trợ quốc phòng cho nước khác cũng như thể hiện vai trò trong khu vực. Hiện ông Abe muốn thay đổi một phần Hiến pháp để cho phép Nhật có thể dùng ảnh hưởng quân sự lớn hơn trong khu vực.
Mỹ muốn Nhật gánh trọng trách ở châu Á
Từ sau thế chiến thứ hai, Mỹ luôn có chính sách kiềm chế Nhật và nó thể hiện ngay trong Hiến pháp hòa bình của Nhật. Nhưng khi ông Abe muốn Nhật thay đổi Hiến pháp để có vai trò quân sự lớn hơn trong khu vực thì Mỹ không hề phản đối và sự im lặng có nghĩa là ủng hộ.
Mỹ đã nhận thấy tham vọng của Trung Quốc và giờ là lúc Mỹ cần Nhật phát huy vai trò đối trọng để kiềm chế Trung Quốc. Nếu có thể, Mỹ muốn tự mình gánh vác trọng trách này ở châu Á như trong hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, Trung Quốc lúc này có tham vọng quá lớn trong khi ngân sách quốc phòng của Mỹ dù lớn nhưng họ phải lo việc khắp nơi trên thế giới nên không thể kham nổi việc một mình kiềm chế Trung Quốc.
Ken Moritsugu, cây viết về khu vực Đông Bắc Á của hãng AP nhận định Mỹ muốn chuẩn bị cho khả năng họ không phải là nước thống trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 5-10 năm nữa để giảm bớt chi phí quân sự. Nếu phải chọn một đồng minh thân cận thì Mỹ sẽ muốn Nhật là nước đảm nhiệm “vai trò” này, tất nhiên với sự giám sát của Mỹ.
Ông Obama luôn ủng hộ các chính sách đối ngoại của Tokyo gần đây. |
Nhật có khả năng tài chính hùng hậu và mục tiêu quốc phòng dồn gần như toàn bộ cho việc đối phó với Trung Quốc. Đó là lý do Mỹ bật đèn xanh cho Nhật tìm kiếm đồng minh, hợp tác quân sự ở châu Á trong thời gian gần đây với cả Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Tại châu Âu, Mỹ có khối NATO hoạt động hiệu quả với ngân sách do các nước đồng minh Tây Âu gánh vác không nhỏ. Do vậy, hình thành một “NATO châu Á” với Nhật lãnh đạo (dưới sự giám sát của Mỹ) để kiềm chế Trung Quốc là một nước cờ khôn ngoan giúp Mỹ đỡ phải lo đến chi phí quốc phòng phình to. Có lẽ để Nhật thay Mỹ trong vai trò duy trì an ninh châu Á sẽ tốt hơn vì Nhật luôn sốt sắng trong chuyện này.
Theo MTG