Việt Nam kiên quyết bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc, cho rằng vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) là thuộc vùng biển của cái gọi là “quần đảo Tây Sa”, và một lần nữa khẳng định rằng “quần đảo Tây Sa” mà Trung Quốc đề cập đến chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực năm 1974.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam. |
Văn kiện trên đồng thời phản đối đến quan điểm của Trung Quốc, cho rằng Việt Nam đã phân 57 lô dầu khí, trong đó có 7 mỏ cùng 37 giàn khoan đang hoạt động tại vùng biển tranh chấp.
Việt Nam khẳng định quan điểm này của Trung Quốc được đưa ra mà không căn cứ vào một cơ sở pháp lý nào, do vậy, Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này, đồng thời khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều tiến hành trên thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Công hàm của Việt Nam khẳng định sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước.
Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc cho lưu hành văn bản trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tiếp đó, ngày 29/5, Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đã ra Thông cáo báo chí về vụ việc trên.
Trước đó, hôm 9/5, Liên hợp quốc cũng đã cho lưu hành một Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của nước ta.
Theo Vietnam +