Giàn khoan của Trung Quốc hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế.
Đánh lừa dư luận
Trung Quốc tuyên bố đã thực hiện xong giai đoạn đầu tiên của quá trình thăm dò. Tuy nhiên, cho đến giờ, họ không đưa ra bất kỳ kết quả cụ thể nào từ việc thăm dò. Dù việc hoạt động của giàn khoan rất tốn kém, lên đến cả triệu USD mỗi ngày cộng thêm chi phí duy trì một đội tàu đông đảo xung quanh giàn khoan thăm dò “trộm” này, nhưng triển vọng để Trung Quốc tìm ra khí đốt tại khu vực này không cao.
Trong khoảng ba tuần lễ để làm các việc hạ đặt giàn khoan ở vùng biển sâu khoảng 1.000 mét, khoan thăm dò khoảng 1.000 mét nữa, nếu tính theo logic về kỹ thuật là "chuyện vô lý", thế nhưng các chuyên gia của Trung Quốc vẫn nhắm mắt phán bừa.
"Nơi mà các giàn khoan đang thăm dò tại thời điểm này có thể sẽ là một mỏ khí đốt. Trung Quốc đã tiến hành khảo sát địa chất ba chiều trước khi chuyển các giàn khoan ở đó, " Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông, tuyên bố. Và ông này giải thích điều mình lý luận một cách phi lý là: "Trung Quốc là khá tự tin (trong các đánh giá)... nếu không họ sẽ không bắt đầu khoan".
Sẵn sàng khoe súng ống theo kiểu côn đồ. |
Kiểu phát biểu lạc quan ngụy biện về trữ lượng dầu mỏ ở vùng biển gần Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) chẳng khác nào đánh lừa dư luận. Trên thực tế, các công ty thăm dò khai thác dầu của Mỹ đã khảo sát và đánh giá trữ lượng dầu và khí đốt ở vùng Bắc Biển Đông không nhiều. Vì thế, có thể khẳng định việc hạ đặt giàn khoan là một hành động chính trị hơn là kinh tế.
Chuẩn bị "đặt mốc" ở Trường Sa?
Những khảo sát của các hãng thăm dò uy tín trên thế giới cho thấy vùng biển phía Nam Biển Đông mới là nơi có trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ. Điều này khiến cho Trung Quốc thèm thuồng cho dù vùng biển này ở cách rất xa bờ biển Trung Quốc. Nếu không tìm kiếm được gì trong quá trình thăm dò phi pháp tại vùng biển gần Hoàng Sa (Việt Nam), giàn khoan của Trung Quốc có thể sẽ "liếm" xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Giàn khoan được thiết kế, để phục vụ cho khai thác dầu ở Biển Đông" - Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc Nghiên cứu kinh tế năng lượng tại Đại học Hạ Môn và là một cố vấn quản lý năng lượng quốc gia của Trung Quốc, cơ quan quản lý hàng đầu của ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc cho biết. " Nó sẽ di chuyển vào vùng nước sâu ở các khu vực khác của Biển Đông".
Theo lý lẽ này thì việc thăm dò phi pháp ở gần Hoàng Sa hiện nay chỉ là một cách tạo tiền lệ để thử phản ứng của quốc tế. Còn mục đích và địa điểm tiếp theo của giàn khoan Haiyang Shiyou-981 có thể là ven biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia hay bất kỳ nước nào trong khu vực miễn là nằm trong cái "lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra.
Thậm chí, nếu không bị phản đối mạnh mẽ, Trung Quốc còn có thể mang giàn khoan ra biển Hoa Đông nơi họ tranh chấp với Nhật, cũng là nơi dự báo có trữ lượng dầu mỏ cao.
"Do vậy" - Reuters kêu gọi, "ngay từ bây giờ cộng đồng quốc tế cần lên án và có hành động thích hợp để chặn đứng một tham vọng ngông cuồng của Bắc Kinh".
Theo MTG