(Ảnh: Chinhphu.vn) |
Trong chương trình làm việc phiên họp tháng 5, Chính phủ cũng thống nhất quan điểm với dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản.
Chính sách đưa ra điều kiện cho vay với ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần sẽ được sử dụng chính những tài sản này để thế chấp vay vốn. Về vốn vay đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, đóng tàu vỏ gỗ là 70% (gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) trong thời gian dài. Lãi suất cho vay chỉ 3-5%.
Ngư dân còn được vay vốn lưu động để hoạt động, bao gồm cả tàu khai thác và tàu làm dịch vụ. Cụ thể, các tàu khai thác sẽ được vay vốn lưu động tối thiểu 200 triệu đồng/năm; tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ được vay tối thiểu 500 triệu đồng/năm. Tổ chức, cá nhân làm dịch vụ hậu cần, tiêu thụ hải sản có hợp đồng tiêu thụ tối thiểu một năm được vay tối thiểu 60% giá trị hợp đồng cung cấp, với lãi suất thấp nhất trong lãi suất cho vay ngắn hạn…
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát tính toán, nguồn lực tài chính thực hiện các chính sách căn cứ trên số đối tượng được hưởng chính trên cơ sở số liệu tàu cá và diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay là 117.116 tàu cá, trong đó có 28.561 tàu cá xa bờ.
Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, trạm bờ và trang thiết bị thông tin đầu cuối trên tàu khai thác hải sản, hạ tầng sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2015-2020 khoảng 20.000 tỷ đồng.
Hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 435 tỷ đồng cho chương trình. Nguồn vốn tín dụng được chuẩn bị10.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp nhất.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam không bất ngờ với âm mưu của Trung Quốc, đặt giàn khoan là hành động tiếp diễn của tham vọng của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” tại Biển Đông.
Đối phó với sự xâm phạm của Trung Quốc, Thủ tướng cho biết Việt Nam giữ vững quan điểm quyết liệt phản đối bằng biện pháp đấu tranh hoà bình.
“Ở trên thực địa, dù Việt Nam chỉ có chừng 30 tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư, tàu nào cũng hỏng, móp méo, phải vào xưởng sửa chữa 2-3 lần vì bị tàu phía Trung Quốc đâm va nhưng lực lượng chấp pháp vẫn quyết bám trụ với tinh thần dù có thể yếu hơn nhưng vẫn kiên quyết có mặt, bám trụ thực địa để phản đối, đẩy, đuổi người vi phạm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng: "Kiên quyết bảo vệ chủ quyền nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định để làm ăn". |
Cũng theo Thủ trướng, Việt Nam liên tục đấu tranh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc phải phải rút giàn khoan. Đến thời điểm này đã có trên 30 cuộc gặp các cấp lãnh đạo được tiến hành giữa hai bên.
Việt Nam cũng thông báo trung thực đến thế giới về hành vi sai trái của Trung Quốc và thiện chí của Việt Nam. Bạn bè quốc tế đã thừa nhận ý chí bảo vệ chủ quyền của Việt Nam là kiên định, không lùi bước. Việt Nam thể hiện rõ thiện chí mong muốn xử lý vấn đề bằng hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Và chính nghĩa luôn được ủng hộ khi chưa có lãnh đạo nào trên thế giới tuyên bố việc làm (hạ đặt giàn khoan) của Trung Quốc là nằm trong vùng biển của nước này.
Thủ tướng lưu ý chủ trương tiếp tục duy trì chính sách công khai dư luận nhưng tuyệt đối không dung dưỡng tư tưởng bài Hoa, kích động hận thù dân tộc mà tiếp tục coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trên các lĩnh vực. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là đấu tranh hòa bình, chính nghĩa, đòi hỏi chủ quyền phù hợp luật pháp quốc tế, chủ quyền 200 hải lý.
“Việt Nam không thể vì “tình hữu nghị” mà im lặng, khi Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Họ dùng vòi rồng tấn công tàu của Việt Nam như thế, ta phải nói nhưng không kích động nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc đối đầu nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng thông tin, lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình.
Theo Dân trí