Gần khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, Trung Quốc duy trì số lượng tàu 122 chiếc (gồm 41 tàu hải cảnh, 16 tàu kéo, 14 tàu vận tải, 4 tàu quân sự, 47 tàu cá). Ngoài ra, có một máy bay trinh sát bay hai vòng quanh khu vực giàn khoan, theo quan sát của lực lượng kiểm ngư.
Hôm 29/5, lực lượng kiểm ngư phát hiện trên vị trí súng phun nước của tàu hải cảnh 31101 của Trung Quốc có lắp thêm đường ống và vòi màu đen.
"Bên cạnh đó còn có hiện tượng hai tàu Trung Quốc, trong đó có tàu hải cảnh chạy song song gần giàn khoan và phun nước vào nhau. Mục đích của việc này đang được Việt Nam xác định", báo cáo của Cục Kiểm ngư nêu.
Các tàu Trung Quốc thường tiến sát các tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ngày 29/5, các tàu chấp pháp Việt Nam tiếp tục tiến vào khu vực hạ đặt giàn khoan, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nhưng ngay từ khoảng cách 7-8 hải lý, các tàu Việt Nam đã bị tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc tấn công dữ dội.
Tàu Trung Quốc tổ chức thành từng nhóm từ 7 đến 9 tàu để ngăn cản, đẩy phạm vi hoạt động của các tàu Kiểm ngư ra 10-12 hải lý. Nhóm tàu cá Trung Quốc gồm 40-45 chiếc cản trở tàu cá Việt Nam trong phạm vi cách giàn khoan 30-35 hải lý.
Trung Quốc vẫn dùng 3-4 tàu vây ép, sẵn sàng đâm và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Trung Quốc còn dùng tàu cá bám sát tàu Kiểm ngư Việt Nam thả lưới và các vật dụng khác gây cản trở; đồng thời đi sát tàu Kiểm ngư Việt Nam nhằm tạo ra những cú đâm và vu cáo rằng Việt Nam đã đâm tàu của họ.
Trong quá trình tiếp cận giàn khoan, tàu KN-630 đã bị tàu Trung Quốc ngăn cản và phun nước nên bị hư hỏng một số thiết bị.
Theo Thanh Niên Online, sáng 29/5, khi tiến vào khu vực giàn khoan, một tàu Kiểm ngư của Việt Nam bị 4-5 tàu Trung Quốc hung hăng vây quanh. Trước tình huống này, tàu HP51 đã xông vào "cắt mặt" tàu Trung Quốc để phá vòng vây. Bên ngoài, hai tàu Cảnh sát biển của Việt Nam bọc lót, mở đường rút an toàn cho tàu Kiểm ngư bị vây hãm khỏi vòng vây nguy hiểm.
Nhận định về việc Trung Quốc có hành vi cản phá mạnh hơn, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói với Tuổi trẻ: "Các động thái khiêu khích, đe dọa, uy hiếp của Trung Quốc càng lúc càng tăng, nhiều khả năng dẫn đến các hành động manh động khác. Có thể nguyên nhân do giàn khoan vừa được kéo đến vị trí mới, cần phải thả neo định vị nên Trung Quốc tăng cường uy hiếp để đẩy tàu Việt Nam ra xa".
Liên quan đến việc Trung Quốc dời vị trí giàn khoan, một số chuyên gia năng lượng của Trung Quốc dự báo, giàn khoan Hải Dương-981 sẽ di chuyển tới lui ở Biển Đông cho tới khi hoàn thành việc thăm dò dầu khí. Các chuyên gia nhận định, nếu tìm thấy dầu, Trung Quốc có thể đưa cơ sở vật chất đến để khai thác và tàu đặt ống dẫn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển dầu khí sang tàu.
Trước việc Trung Quốc dời giàn khoan đến vị trí mới, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ sáng 29/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ba nhóm giải pháp đấu tranh. Cụ thể, trên thực địa "sẽ có va chạm, nhưng Việt Nam cần kiên quyết và cố gắng kiềm chế". Trên mặt trận ngoại giao, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục kiên trì và đấu tranh đến cấp cao nhất, nói rõ hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu họ phải rút giàn khoan. Với giải pháp đấu tranh pháp lý, theo Thủ tướng, hình thức này sẽ được Việt Nam cân nhắc để quyết định sử dụng vào thời điểm phù hợp, theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
15h chiều 29/5, tàu cá của ngư dân Đà Nẵng có số hiệu ĐNa-90152-TS bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm đã được kéo về bờ và đang được sửa chữa, khắc phục tại đảo Lý Sơn. Cục Kiểm ngư đã cùng lực lượng khác đến thăm hỏi và động viên ngư dân. |
Theo VNE