Vì sao đi thăm TQ, Putin nhất định đòi gặp Giang Trạch Dân?

Thứ bảy, 24/05/2014, 10:38
Trong chuyến công du Trung Quốc, ông Putin đã nhắc cho mọi người nhớ rằng ông vẫn có rất nhiều bạn bè trong giới quyền cao chức trọng ở đây.

Bên cạnh một bản thỏa thuận khí đốt lịch sử trị giá đến 400 tỷ USD và những lời có cánh mà giới ngoại giao Nga - Trung dành cho nhau, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin còn có một điểm nhấn khác mà báo chí phương Tây thấy thú vị. Đó là những bức ảnh chụp ông tới thăm nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nghỉ hưu Giang Trạch Dân, nguyên Chủ tịch Trung Quốc từ năm 1993 đến năm 2003.

Người Trung Quốc dường như cũng cảm thấy rất hào hứng trước sự xuất hiện trở lại của ông Giang. "Không quên bạn cũ" là những gì mà Guoshu Zhan, cựu biên tập viên Nhân dân Nhật báo viết trên tài khoản Weibo của mình.

Khi gặp ông Giang, người năm nay đã 87 tuổi, ông Putin đã thổi một bầu không khí vui vẻ vào mối quan hệ mà nhiều học giả cho rằng có nhiều phần căng thẳng, bắt nguồn từ sự chia rẽ hệ tư tưởng giữa Mao Trạch Đông và Khrushchev suốt hàng thập kỷ.

putin
Tổng thống Putin trong cuộc gặp với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

"Chúng ta không có bất đồng nào hết", ông Putin đã nói với ông Giang như vậy, theo biên bản cuộc họp do hãng thông tấn Nga RIA Novosti công bố. "Ngược lại, có những kế hoạch lớn mà chúng ta quyết tâm thực hiện."

Không ai biết liệu ông Putin có trao đổi với ông Giang về hợp đồng khí đốt hay không. Phát ngôn viên của phái đoàn Nga từ chối cung cấp chi tiết về cuộc gặp giữa ông Putin và ông Giang và gọi đó là một "cuộc gặp riêng tư."

Chuyến thăm trên phương diện cá nhân của ông Putin với ông Giang còn nhấn mạnh sự “bền bỉ” của ông Putin. Ông Putin được bổ nhiệm quyền Tổng thống Nga vào năm 1999 - và chính thức được bầu một năm sau đó - và giữ vị thế lãnh đạo nước Nga từ đó đến nay, trong khi Trung Quốc đã trải qua ba thế hệ lãnh đạo. Đó là ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình, người mới lên nắm quyền hồi tháng 11/2012 .

Giới quan sát chính trị Trung Quốc có thể sẽ đăng đàn tranh luận về ý nghĩa sự xuất hiện của ông Giang, đặc biệt trong bối cảnh một số nhân vật thân tín của ông Giang trở thành mục tiêu của cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" do ông Tập Cận Bình khởi xướng.

Nhưng có một điều rõ ràng: Sự xuất hiện của ông Giang cho thấy ít nhất thì ông vẫn tham gia ở mức độ nhất định vào các vấn đề chính trị và ngoại giao của Trung Quốc, mặc dù trên thực tế hầu hết lãnh đạo đã nghỉ hưu của Trung Quốc đều lặng lẽ “lui về ở ẩn”.

Tại thời điểm này, dường như ông Putin muốn cho người ta thấy rằng mình có nhiều bạn bè trong giới chính trị cấp cao của Trung Quốc hơn cả ông Tập.

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn