Sự nguy hiểm của tư tưởng nước lớn

Thứ hai, 02/06/2014, 08:32
Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tư tưởng nước lớn của một bộ phận dư luận Trung Quốc đang là con bài nguy hiểm được sử dụng trong tranh chấp chủ quyền.

Tàu ĐNa-90152 được kéo về vịnh Đà Nẵng sau khi bị tàu TQ đâm chìm ngày 26/5 - Ảnh: Nguyễn Tú

Chỉ một ngày sau hành động vô nhân đạo của tàu Trung Quốc (TQ) đâm chìm tàu cá Việt Nam hôm 26/5, mạng xã hội TQ tràn ngập sự hoan hỉ của một bộ phận cư dân mạng nước này. Một người sử dụng trang Ifeng.com viết: “Bây giờ mới thấy được quyết tâm và lòng dũng cảm” (của tàu TQ - NV). Một người khác viết: “Cuối cùng thì cũng thấy được tin tức về hành động cụ thể”, theo tờ The New York Times.

Ngày 30/5, cũng tờ The New York Times đăng tải ý kiến của một độc giả Việt Nam. Độc giả này đang làm việc cho một công ty Việt Nam tham dự hội chợ thương mại tại Thâm Quyến vào trung tuần tháng 5. Một nữ khách hàng người Hoa đến gian hàng của công ty (có treo cờ Việt Nam phía trước) và nói: “Các người dám khiêu khích ngay cả một nước lớn như chúng tôi. Ngay cả Mỹ còn phải kiêng dè chúng tôi nữa là”.

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông vẫn chưa dịu kể từ khi TQ đơn phương hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các chuyên gia cảnh báo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, lệch lạc và tư tưởng nước lớn hung hăng hiếu chiến sẽ càng trở nên cực kỳ nguy hiểm và đẩy căng thẳng leo thang.

Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc ĐH Simmons (Mỹ), nhận định với chúng tôi: “Trung Quốc ngày càng trở nên ngạo ngược trong việc khẳng định cái gọi là chủ quyền lãnh hải chính là do yêu cầu từ một bộ phận không nhỏ dư luận mang tư tưởng hoặc bị tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Những người này có tư tưởng TQ là siêu cường và nền kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới. Giữa lúc giới lãnh đạo đang bị chỉ trích về tham nhũng, ô nhiễm và những vấn đề nội địa khác thì chính sách ngoại giao diều hâu lại bỗng dưng dễ thu phục lòng người”.

Đồng ý với quan điểm trên, Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) nhận định: “Theo tôi, có sự tương đồng giữa động cơ gây hấn của TQ ở biển Hoa Đông với Nhật Bản và ở Biển Đông với Việt Nam: chuyển hướng dư luận sang những vấn đề quốc tế để phục vụ nhu cầu đối nội”.

Ai lèo lái ai ?

Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều những ý kiến đúng đắn của người dân và học giả TQ tỏ ra yêu hòa bình, tôn trọng luật pháp và bất bình với những hành động của chính phủ nước họ. Chuyên gia Lý Lệnh Hoa thường xuyên kêu gọi phải tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và phản đối đường lưỡi bò, còn The New York Times trích lời một công dân mạng TQ cảm thán rằng nước ông “hành xử không đáng mặt nước lớn” và “tư tưởng Khổng giáo đang phai nhạt” về vụ đâm tàu.

Từ đó, bà Tôn Vân, chuyên gia về TQ thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ), nói với chúng tôi: “Chắc chắn không sai khi nói lãnh đạo TQ phải có hành động đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân. Nhưng cũng chắc chắn là nếu muốn thì chính quyền có rất nhiều phương thức để làm dịu đi các luận điệu dân tộc hung hăng, hiếu chiến trong dư luận. Câu hỏi quan trọng nhất là ai đang lèo lái ai. Chắc chắn là khuấy động dư luận trong nước sẽ giúp chính quyền có cớ ngày càng tăng cường chính sách ngoại giao cứng rắn và tạo ra đòn bẩy thuận lợi khi đàm phán với các nước có liên quan”.

Cho dù vẫn còn tranh luận về vấn đề trên, các chuyên gia đều thống nhất: Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tư tưởng nước lớn hung hăng hiếu chiến sẽ chỉ kích động hận thù và leo thang căng thẳng. Chuyên gia Richard Bitzinger thuộc ĐH Nanyang (Singapore) nhận định: “Một bộ phận không nhỏ người dân TQ tin rằng họ đang bị chèn ép trong tranh chấp tại Biển Đông và hệ lụy nguy hiểm là Bắc Kinh sẽ tiếp tục không chịu thỏa hiệp”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn