Công dân Philippines, Mỹ tới Biển Đông phản đối Trung Quốc

Thứ hai, 13/06/2016, 13:08
Một nhóm gồm 15 công dân Philippines và 1 công dân Mỹ bơi thuyền tới bãi cạn Scarborough do Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hôm 12-6, sau đó bị tàu Trung Quốc ngăn chặn.

15/16 người nói trên, thuộc nhóm Kalayaan Atin Ito, khởi hành từ tỉnh Zambales – Philippines vào chiều 11-6 (giờ địa phương) trên một chiếc thuyền đánh cá. Kalayaan Atin Ito chính là nhóm tố giác tàu Trung Quốc đổ hóa chất giết cá ở đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) gần đây.

Khi vừa đến khu vực bãi Scarborough lúc 7 giờ 30 phút sáng 12-6, 2 tàu cao tốc và 3 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện với ý định ngăn chặn. Khoảng 11 giờ trưa, 5 trong số các thành viên quyết định bơi vào bãi cạn để cắm cờ Philippines.

“Trong lúc chúng tôi đang bơi, tàu Trung Quốc liên tục phun vòi rồng. Dù không cắm được cờ nhưng 2 người trong nhóm vẫn tiếp cận được bãi cạn” - luật sư Joy-Ban-eg, đồng sáng lập Kalayaan Atin Ito, cho biết.

Giữa trưa, toàn bộ 16 người quyết định quay về. Tàu hải cảnh Trung Quốc canh chừng cho đến khi họ rời khỏi.

Luật sư Ban-eg cho biết họ muốn phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Nhóm Kalayaan Atin Ito bơi thuyền tới bãi cạn Scarborough hôm 12-6.
Cả nhóm định cắm cờ lên bãi Scarborough nhưng không thành công. Ảnh: Facebook

Tháng 12 năm ngoái, Kalayaan Atin Ito cũng là nhóm bơi thuyền tới đảo Thị Tứ. Kể từ đó, luật sư Ban-eg nói rằng họ đã tham gia tổ chức Đi lại trên biển dựa theo luật pháp quốc tế (SAIL). Tổ chức này khuyến khích giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế dựa trên cơ sở pháp lý và hòa bình.

Công dân Mỹ đi cùng 15 người Philippines của nhóm Kalayaan Atin Ito đến từ SAIL. Năm 2012, họ cũng định bơi thuyền ra bãi cạn Scarborough nhưng bị Tổng thống Benigno Aquino III khi ấy kêu gọi hủy bỏ kế hoạch vì các cuộc đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh đang diễn ra.

Scarborough nằm cách tỉnh Zambales khoảng 124 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Trung Quốc duy trì sự kiểm soát bãi cạn từ năm 2012.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn