Bà Merkel “cứng” với Trung Quốc

Thứ hai, 13/06/2016, 11:28
Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị Trung Quốc thúc đẩy cải cách trong ngành công nghiệp thép và các ngành kinh tế khác để tránh rạn nứt thêm với Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh hôm 12-6, bà Merkel nhấn mạnh “chúng ta cần một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài”.

“Không ai muốn thấy một cuộc chiến thương mại mở rộng giữa EU và Trung Quốc. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta phải nói chuyện về các vấn đề nổi bật” – bà Merkel cho biết.

Nữ Thủ tướng Đức muốn đề cập tới thực trạng bán phá giá thép của các doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường quốc tế, gây đau đầu cho ngành công nghiệp thép của châu Âu.

Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố sẽ cải cách một số ngành công nghiệp nặng trong nước nhưng điều này có thể khiến hàng ngàn người Trung Quốc mất việc làm. Do vậy, các nước châu Âu tin rằng chính phủ Trung Quốc không dễ thực hiện cam kết.

Bà Merkel phát biểu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh hôm 12-6.

Cũng trong bài phát biểu, bà Merkel kêu gọi Bắc Kinh đẩy mạnh vai trò trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Bà thúc giục Trung Quốc duy trì nền pháp trị trong nước và tuân thủ luật pháp quốc tế trong phát biểu nhằm vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.

Ngoài ra, nữ Thủ tướng Đức còn đề nghị Bắc Kinh cải thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho Berlin đầu tư dễ dàng hơn. Bà cũng bày tỏ quan ngại về hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 nước chỉ có thể đạt được nếu vấn đề được giải quyết.

Bà Merkel tới Trung Quốc hôm 12-6 để tham dự các cuộc họp ở cấp bộ trưởng từ hai phía. Sau bài phát biểu tại Viện Hàn lâm Khoa học, bà đã gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Cung điện Mùa hè (Di Hòa Viên) ở Bắc Kinh cùng ngày.

Đây là chuyến đi thứ 9 của bà Merkel tới Trung Quốc kể từ khi nhậm chức. Chuyến đi này có khá nhiều vấn đề cần giải quyết, từ nhân quyền, tư pháp cho đến cạnh tranh thương mại. Đây cũng là thời điểm Bắc Kinh yêu cầu EU công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, gây bất đồng trong chính nội bộ các nước châu Âu.

Với 164 tỉ USD kim ngạch thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Đức và Đức là đối tác lớn thứ năm của Trung Quốc.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn