Hải quân Trung Quốc đồn trú trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Reuters) |
Cách đây 3 tháng, các học giả hàng đầu của Trung Quốc nhận ra một điều rằng, bất cứ ai phát biểu ý kiến không có lợi cho yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông tại các sự kiện do Bắc Kinh tổ chức sẽ không được mời nữa.
Hội thảo do một tổ chức có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc đứng ra bảo trợ này nhằm kêu gọi sự ủng hộ để giúp Bắc Kinh đối phó lại vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Tại đây, phát biểu trước các chuyên gia về quan hệ quốc tế và luật sư, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp.
Một học giả không tiếc lời bày tỏ sự phản đối quan điểm của chính phủ Trung Quốc trong vụ kiện này và nói rằng Bắc Kinh có rất ít cơ hội thắng kiện, do vậy nên sẵn sàng cho kịch bản phán quyết bất lợi.
Tuy nhiên, đó là lần cuối cùng vị học giả này được mời đến một sự kiện như vậy. Cũng ngay sau buổi hội thảo đó, Bắc Kinh đã tung ra một chiến dịch vận động ngoại giao chưa từng có để trắng trợn kêu gọi sự ủng hộ từ các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong 3 tháng qua, hàng chục quan chức ngoại giao của Trung Quốc cả đương nhiệm và đã về hưu trên khắp thế giới khá bận rộn với việc mua chuộc truyền thông để có những bài phỏng vấn nhằm thách thức phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên hợp quốc.
Bắc Kinh lớn tiếng nói rằng khoảng 60 quốc gia bao gồm cả châu Á, châu Âu và châu Phi bày tỏ ít nhất là ủng hộ một phần đối với Trung Quốc với quan điểm rằng các tranh chấp hàng hải nên giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán. Tuy nhiên, một số quốc gia trong đó có Slovenia và Fiji đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và khẳng định họ không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông.
James Chieh Hsiung, giáo sư về chính trị học tại Đại học New York, nhận định việc Bắc Kinh tìm cách làm ngơ phán quyết của PCA cho thấy Trung Quốc không tự tin về các tuyên bố chủ quyền. “Cách làm hiện nay của Trung Quốc sẽ chỉ khiến người ta thắc mắc tại sao Trung Quốc nhất thiết phải kêu gọi sự ủng hộ theo cách này. Sự hoài nghi đó sẽ càng làm lung lay những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, ông Chieh Hsiung nói.
Xu Xiaobing, một giáo sư luật tại Đại học Giao thông Thượng Hải, cho rằng: “Đã đến lúc Trung Quốc phải nghiêm túc chấp hành luật pháp quốc tế thay vì chỉ đãi bôi”.
Mặc dù đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nhưng đến nay Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa án trọng tài PCA về vụ kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Giới ngoại giao quốc tế đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế bằng cách công nhận phán quyết của PCA.
Một phiên tòa của Tòa trọng tài thường trực (PCA). (Ảnh: SCMP) |
Giáo sư Ling Bing, một chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Sydney, nói rằng đây sẽ là vụ kiện đầu tiên sẽ do một tòa án quốc tế đưa ra phán quyết về một trong những vấn đề pháp lý quan trọng nhất liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù phán quyết khó có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực nhưng giới chuyên gia cho rằng nó sẽ hủy hoại hơn nữa hình ảnh, thanh danh của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Một số chuyên gia nói rằng, Bắc Kinh đã kín đáo thừa nhận rằng không thể ra hầu tòa và thua kiện bởi chủ nghĩa dân tộc trong nước đang dâng cao. Một số quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận Bắc Kinh đã nghĩ đến chuyện tuyển một nhóm luật sư hàng đầu để đánh bại Philippines tại tòa, song nhận ra rằng những luật sư tốt nhất về hàng hải đã nhận lời hỗ trợ các quốc gia bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền.
Pang Zhongying, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, bày tỏ quan ngại về những hiệu ứng trái chiều khi Bắc Kinh ra sức tìm kiếm đồng minh trên thế giới trong vụ kiện “đường lưỡi bò”.
“Những biện pháp của Bắc Kinh nhằm phá vỡ thế cô lập về ngoại giao cho thấy Trung Quốc đang xa rời các chính sách trước kia trong tranh chấp hàng hải”, chuyên gia Pang nhận định. Ông và một số nhà phân tích khác cũng quan ngại về chi phí cũng như hiệu quả của chiến dịch ngoại giao mua chuộc của Trung Quốc - một chiến dịch dường như tập trung vào các quốc gia nhỏ và ít phát triển.
Theo Dân Trí