“Người làm báo có phẩm chất dấn thân không dễ lùi bước trước sự đe dọa”

Thứ ba, 21/06/2016, 09:01
“Những người làm báo có phẩm chất dấn thân sẽ không dễ lùi bước trước những lời đe doạ hay hành vi đe doạ. Bởi họ có lý tưởng, họ tin vào điều tốt, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và tin vào sự ủng hộ của dư luận đối với họ”, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhiều PV bị lăng mạ hành hung, cản trở tác nghiệp (ảnh tư liệu)

Thời gian gần đây, nhiều vụ nhà báo bị cản trở, thậm chí hành hung khi tác nghiệp. Theo ông nguyên nhân nào khiến các vụ việc này ngày càng có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ?

Báo chí ngày càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, chống những sai trái trong xã hội. Do vậy, có những thế lực, tổ chức, con người muốn ngăn chặn báo chí thực hiện vai trò của mình. Họ tìm mọi cách ngăn cản, đe dọa, thậm chí xâm hại khi nhà báo tiếp cận thông tin, phản ánh sự thật, bảo vệ lẽ phải.

Việc bảo vệ nhà báo được thể hiện rõ trong Luật Báo chí, tuy nhiên trên thực tế, điều này chưa được mọi tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm minh mọi lúc, mọi nơi. Điều đó dẫn đến chuyện nhờn luật, coi thường kỷ cương phép nước tấn công, truy bức, xâm hại các nhà báo.

Theo ông Hồ Quang Lợi người làm báo có phẩm chất dấn thân không dễ lùi bước khi bị đe dọa

Là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, vậy ông cảm thấy thế nào khi nhận tin một nhà báo của cơ quan báo chí nào đó bị cản trở, hành hung?

Phản ứng đầu tiên của tôi là bất bình và cực lực phản đối những hành động như vậy. Gần như ngay lập tức, tôi đề nghị cơ quan chức năng của Hội tìm hiểu, nắm thật chắc tình hình liên quan đến sự việc đó và yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ sự thật. Khi thấy có dấu hiệu đe doạ, hành hung các nhà báo, Hội thể hiện thái độ rất mạnh mẽ, kiên quyết yêu cầu trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm.

Sau mỗi sự việc xảy ra, có nhiều lo ngại tính chiến đấu của báo chí sẽ giảm khi nhà báo không an tâm tác nghiệp, không được bảo vệ thích đáng trong đấu tranh chống tiêu cực?

Tôi nghĩ, những người làm báo chân chính là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng. Đặc biệt là những ngòi bút chống tiêu cực, sai trái, chống tham nhũng... Họ có một phẩm chất dấn thân. Sau những vụ việc xảy ra vừa qua, tôi chưa thấy những nhà báo bị tấn công tỏ ra khiếp nhược. Trái lại, họ sẽ rút ra những kinh nghiệm để tự bảo vệ mình một cách tốt hơn, để tiếp tục cầm bút và chiến đấu.

Những người làm báo đã có phẩm chất dấn thân như thế sẽ không dễ gì lùi bước trước những lời đe doạ hay hành vi đe doạ, bởi vì họ có lý tưởng, họ tin vào điều tốt, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và tin vào sự ủng hộ của dư luận đối với họ.

Tại rất nhiều diễn đàn đề cập tới việc coi quá trình tác nghiệp của nhà báo như những người thi hành công vụ để họ có chỗ dựa vững chắc, yên tâm khi lao vào những điểm nóng, vấn đề nóng. Quan điểm của cá nhân ông về vấn đề này thế nào?

Theo tôi, vấn đề này cần tiếp tục được bàn thảo vì đặc thù tác nghiệp của nhà báo khác với các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, kiểm sát, tòa án... Cũng đã có ý kiến đề xuất trang bị công cụ hỗ trợ cho nhà báo. Tôi nghĩ, công cụ hiệu quả nhất cho các nhà báo tác nghiệp là hệ thống pháp luật, là Luật Báo chí, là sự nghiêm minh của pháp luật.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, khi xã hội có kỷ cương pháp luật, khi nhà báo nắm vững quy định của luật pháp thì đó sẽ là công cụ hỗ trợ hữu hiệu nhất. Được dư luận ủng hộ mạnh mẽ, đó là sự bảo vệ vô cùng quý báu và thiêng liêng đối với nhà báo. Khi những kẻ hành hung nhà báo bị trừng trị nghiêm khắc thì đó là thông điệp bảo vệ mạnh mẽ các nhà báo.

Trong những năm qua, Hội Nhà báo đã phát huy vai trò của mình thế nào trong việc bảo vệ các nhà báo khi họ bị cản trở hay hành hung lúc tác nghiệp?

Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng có uy tín trong xã hội và thực sự là chỗ dựa cho cho anh em làm báo trên cả nước. Đặc biệt sau khi Luật Báo chí sửa đổi được Quốc hội thông qua đã thể hiện rõ vai trò của các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh thành và Hội Nhà báo Việt Nam trong việc xây dựng nền báo chí ngày càng tiên tiến, lành mạnh và hiệu quả.

Thông qua Luật Báo chí sửa đổi, vai trò của Hội Nhà báo cũng được tăng lên. Do vậy mỗi khi xảy ra vụ việc, ý kiến của Hội Nhà báo đều được các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tôn trọng giải quyết. Từ cuối năm ngoái đến nay, đã liên tiếp xảy ra một số vụ việc hành hung nhà báo. Đối với mỗi vụ việc như vậy, chúng tôi đều có ý kiến, sau đó đều có phản hồi của các cơ quan chức năng và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong đó có những vụ đã xử lý nghiêm minh như vụ hành hung nhà báo Ngọc Quang ở Thái nguyên.

Có những đề xuất cho rằng, Hội Nhà báo cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong mỗi vụ nhà báo bị hành hung. Ông nghĩ sao về những kiến nghị đó?

Bất cứ biện pháp gì, hành động gì mà góp phần tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ để hỗ trợ nhà báo tác nghiệp tốt, bảo vệ các nhà báo thì đều được hoan nghênh. Trước mắt Hội sẽ có một đợt học tập, quán triệt để các nhà báo nắm thật chắc Luật Báo chí năm 2016, vì nhiều nhà báo chưa nắm được hết quyền và trách nhiệm của mình, nên có những quyền của mình mà không biết để sử dụng, có những điều cấm làm nhưng vẫn vi phạm.

Ngoài ra, trong Luật Báo chí sửa đổi có đề cập đến điều rất quan trọng đó là đạo đức báo chí. Đây là vấn đề cốt lõi, vì một nhà báo không chính trực thì ngòi bút rất dễ bị bẻ cong; khi đó sự thật không bao giờ được nói đúng, thậm chí bị đánh tráo bản chất để phục vụ cho mục đích không trong sáng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn